Biến động trên thị trường stablecoin

Biến động trên thị trường stablecoin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các đồng stablecoin đang ngày càng được ưa chuộng tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong khi các dự án khác đang phải vật lộn để duy trì niêm yết tại Liên minh châu Âu (EU) do các vấn đề về tuân thủ.

Các đồng Stablecoin đang là tâm điểm chú ý gần đây trong bối cảnh Mỹ thông qua các dự luật quan trọng. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang lo ngại về việc đồng tiền của First Digital tạm thời mất giá do lo ngại về dự trữ, cũng như nỗ lực của Coinbase nhằm tiếp quản các ngân hàng đã bị các nhà lập pháp phản đối.

Sau hàng loạt các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, các loại tiền mã hóa được hỗ trợ bằng USD đang trở thành điểm nóng khi thị trường cân nhắc vai trò của đồng USD cũng như triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Tại châu Âu, stablecoin phải đối mặt với chế độ quản lý chặt chẽ hơn, điển hình như câu chuyện các sàn giao dịch phải hủy niêm yết nhiều đồng tiền không tuân thủ quy định về Thị trường Tài sản Tiền mã hóa (MiCA) do EU thông qua vào năm 2023.

Có thể thấy, thị trường stablecoin đang đối mặt với rất nhiều biến động khi các chính sách thay đổi chóng mặt và hàng loạt loại tài sản mới gia nhập thị trường.

Luật áp dụng stablecoin trông chờ vào cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Hoa Kỳ

Sau khi thông qua một cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm của stablecoin cho Nền kinh tế Sổ cái Tốt hơn – hay Đạo luật STABLE – sẽ sớm phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu từ toàn bộ hạ viện của cơ quan lập pháp Mỹ.

Dự luật này đưa ra các quy tắc cơ bản cho Stablecoin trong thanh toán, stablecoin gắn với USD và các điều khoản tiết lộ cho các đơn vị phát hành Stablecoin. Không chỉ vậy, đạo luật STABLE đang được xem xét song song với đạo luật GENIUS, khuôn khổ quản lý Stablecoin chính mà ngành công nghiệp tiền điện tử đang thúc đẩy.

Nhiều người trong ngành coi các quy định về stablecoin là một bước quan trọng trong việc đưa tiền mã hóa vào xu hướng chính thống, nhưng các dự luật hiện tại vẫn vướng phải nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện đảng Dân chủ, bà Maxine Waters, là người đã bỏ phiếu chống lại đạo luật STABLE. Bà cho rằng, đạo luật này "đặt ra tiền lệ nguy hiểm và không thể chấp nhận được".

Bà Waters quan ngại dự luật sẽ xác nhận dự án stablecoin mới thành lập của Tổng thống Trump, làm giàu cho cá nhân ông bằng những đồng thuế của người dân.

Stablecoin không còn ổn định

Đồng tiền ổn định FDUSD đã bị chệch giá (depeg) hồi đầu tháng 4, sau khi nhà sáng lập mạng lưới TRON, ông Justin Sun tuyên bố rằng, First Digital (đơn vị phát hành FDUSD) đã mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, First Digital sau đó đã bác bỏ thông tin này và đính chính rằng họ hoàn toàn có khả năng thanh toán, FDUSD vẫn có thể quy đổi bằng USD theo tỷ lệ 1:1.

"Mỗi đồng đô la đứng sau FDUSD đều được an toàn, bảo mật và bảo chứng đầy đủ bằng trái phiếu chính phủ Mỹ. Mọi mã ISIN (định danh chứng khoán quốc tế) của quỹ dự trữ đều được công khai trong báo cáo kiểm toán ", First Digital cho biết và nhấn mạnh rằng, phát ngôn của ông Sun là "một chiến dịch bôi nhọ điển hình” nhằm tấn công đối thủ cạnh tranh.

WLFI của Tổng thống Trump ra mắt đồng tiền ổn định

World Liberty Financial (WLFI), dự án tài chính phi tập trung của gia đình ông Trump, đã ra mắt một đồng tiền ổn định neo theo USD với tổng nguồn cung hơn 3,5 triệu USD.

Theo dữ liệu từ Etherscan và BscScan, dự án đã phát hành token World Liberty Financial USD (USD1) trên BNB Chain và Ethereum hồi đầu tháng 3.

USD1 vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những đối thủ chính trị của ông Trump, chẳng hạn như bà Waters – những người tin rằng ông đang muốn thay thế đồng USD bằng đồng tiền ổn định của riêng mình để làm giàu cho bản thân.

Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ gần đây đã bày tỏ mối quan ngại rằng, người đứng đầu Nhà Trắng có thể định hình và thực thi quy định nhằm trục lợi cho cá nhân bằng cách gây tổn hại đến các đồng tiền ổn định khác cũng như sức khỏe nền kinh tế nói chung.

Quốc hội không lưu tâm tới Stablecoin

Brian Armstrong, Giám đốc điều hành Coinbase, có tham vọng cạnh tranh với các ngân hàng bằng cách đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều cho các nhà đầu tư stablecoin so với hình thức tiết kiệm thông thường.

Trong một bài báo dài trên mạng xã hội X vào cuối tháng 3, ông Armstrong lập luận, những người sở hữu đồng tiền ổn định của Mỹ nên kiếm được "lãi suất trên chuỗi", còn những người phát hành đồng tiền ổn định nên được đối xử tương tự như các ngân hàng và được "cho phép và khuyến khích chia sẻ lãi suất với người tiêu dùng".

Đề xuất của ông đã gặp phải nhiều trở ngại tại Quốc hội. Đại diện French Hill, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã tuyên bố rằng, Stablecoin không nên được coi là khoản đầu tư mà chỉ là phương tiện thanh toán thuần túy.

“Tôi không coi stablecoin như một tài khoản ngân hàng. Tôi công nhận quan điểm của Armstrong, nhưng không tin rằng có sự đồng thuận về vấn đề này tại Hạ viện hoặc Thượng viện”, ông nói.

Nguy cơ bị hủy niêm yết tại châu Âu

Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, đã dừng giao dịch stablecoin USDT của Tether. Khách hàng vẫn có thể giữ USDT trong tài khoản để giao dịch trong các hợp đồng vô thời hạn.

Quyết định hủy niêm yết USDT nằm trong nỗ lực tuân thủ rộng rãi MiCA. Các sàn giao dịch lớn khác cũng thực hiện biện pháp tương tự: Kraken đã hủy niêm yết hàng loạt trên thị trường châu ÂU, bao gồm PayPal USD (PYUSD), USDT, EURt (EURT), TrueUSD (TUSD) và TerraClassicUSD (UST).

Crypto.com cho phép người dùng đến hết quý I/2025 để chuyển đổi các token bị ảnh hưởng sang các token tuân thủ MiCA. "Nếu không, chúng sẽ tự động được chuyển đổi thành một loại tiền ổn định tuân thủ hoặc tài sản có giá trị thị trường tương ứng", sàn giao dịch cho biết.

Dòng vốn lớn đổ vào Stablecoin

Nền tảng phân tích thị trường tiền mã hóa IntoTheBlock đã phát hiện ra một lượng vốn ngày càng tăng đổ vào các tài sản thực tế được mã hóa và stablecoin. Theo công ty phân tích, những tài sản này ngày càng được coi là "nơi trú ẩn an toàn trong thị trường bất ổn hiện nay".

Công ty này đã trích dẫn những trở ngại về kinh tế không thể lường trước dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là lý do chính khiến dòng vốn đổ vào.

“Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau lễ nhậm chức Tổng thống của Trump, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng, thuế quan và bất ổn chính trị nói chung đang khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn”, báo cáo cho biết.

Cất cánh tại Nhật Bản

Ngày càng có nhiều công ty tìm cách ra mắt stablecoin tại Nhật Bản khi chính phủ nới lỏng lập trường. SBI VC Trade - Công ty con tiền điện tử của tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI sẽ sớm cung cấp hỗ trợ cho USDC của Circle. SBI VC Trade cho biết, họ đã hoàn tất đăng ký ban đầu cho các dịch vụ stablecoin và có kế hoạch cung cấp giao dịch tiền điện tử bằng USDC.

Tin tức này được đưa ra cùng ngày Ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính Hideki Ito bày tỏ sự ủng hộ đối với các giao dịch Stablecoin tại sự kiện Fin/Sum 2025 trong Tuần lễ Công nghệ Tài chính Nhật Bản.

Tập ​​đoàn tài chính Nhật Bản Sumitomo Mitsui Financial Group (SMBC), công ty hệ thống kinh doanh TIS Inc, nhà phát triển mạng Avalanche Ava Labs và công ty cơ sở hạ tầng tài sản kỹ thuật số Fireblocks muốn thương mại hóa Stablecoin tại Nhật Bản.

Các công ty đã ký một biên bản ghi nhớ để phát triển các chiến lược phát hành và lưu hành Stablecoin được hỗ trợ bằng USD và Yen.

Stablecoin là loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định thường được neo với một tài sản cơ sở như USD (tỷ lệ 1:1).

Stablecoin là một loại tiền điện tử mã hóa, do đó nó thừa hưởng đầy đủ các tính chất như phi tập trung, bảo mật cao và được bảo trợ, kiểm soát nghiêm ngặt.

Hiện nay, trên thị trường đang có 3 loại stablecoin chính đó là: được đảm bảo bằng các đồng tiền pháp định (USDT, USDC); được đảm bảo bằng tiền mã hóa (DAI); được đảm bảo bằng thuật toán (UST- đã sụp đổ).

Các đồng stablecoin thường được sử dụng để làm cầu nối giữa tiền pháp định và tiền mã hóa; công cụ giao dịch hoặc thanh toán ổn định hoặc đóng vai trò như tài sản lưu trữ trong trường hợp thị trường biến động.

Tin bài liên quan