Hoa bàng vuông trên đảo Sơn Ca

Hoa bàng vuông trên đảo Sơn Ca

Biển đông, những ngày tháng Năm - Kỳ 5: Kinh tế biển mạnh, chủ quyền sẽ vững

“Biển đảo đã ấm lòng hơn”. Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã nhiều lần nhắc đến điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư khi vừa kết thúc chuyến công tác tại Trường Sa và nhà giàn DK1 trong những ngày tháng Năm nóng bỏng này. Tuy nhiên, vị tướng hải quân mong muốn, để bảo vệ chủ quyền đất nước một cách bền vững, nhất là khi Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260 km, thì phát triển một nền kinh tế biển vững mạnh phải là nền tảng.

Nói về chủ trương phát triển biển đảo, Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải cho biết, thế kỷ 21 được thế giới xem là thế kỷ của đại dương. Ngay tại Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 được Hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X thông qua ngày 9/2/2007 đã nhấn mạnh nhiệm vụ phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Nhằm tận dụng tiềm năng biển, cũng như củng cố thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, công tác đầu tư cho Trường Sa và các vùng biển đảo của đất nước nói chung đã được định hướng từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của nước ta, nên chỉ riêng nguồn lực ngân sách là chưa đủ. Chính vì vậy, cả nước đã dấy lên phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, vì biển đảo quê hương. Với sức mạnh tổng lực đó, Trường Sa hôm nay đã phát triển rất nhiều so với một khoảng thời gian không xa về trước.

“Có thể nói, đó là một nét truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của đất nước Việt Nam. Khi gặp vấn đề gì khó khăn, hệ trọng thì cả dân tộc vào cuộc. Điều này không chỉ đúng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà tôi cho rằng, cả sự nghiệp phát triển kinh tế sắp tới, cần phải huy động sức mạnh tổng lực của cả dân tộc thì mới có thể giành thắng lợi”, ông Hải nhận định.

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải bên giàn bí tăng gia của chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông

Vậy đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo, nhà giàn DK1 nói riêng và những người lính hải quân nói chung thì sao, thưa ông?

Tôi tin là thông qua thực tế chuyến đi vừa rồi, bạn cũng đã khá rõ. Hiện nay, Trường Sa và nhà giàn DK1 đã được đầu tư hệ thống điện gió, điện mặt trời, sóng điện thoại Viettel phủ trên toàn bộ các điểm đảo, nhà giàn, làm cho sự xa cách về không gian đã được rút ngắn.

Cùng với các tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng đã tốt hơn, kết hợp với sự sáng tạo, tự lực của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đời sống tại các điểm đảo và nhà giàn DK1 đã được nâng lên. Và hơn ai hết, chính họ hiểu được giá trị của môi trường sống ở đảo, nên so với khoảng 10 năm trước đây, hệ thống cây xanh đã tăng gấp nhiều lần. Những đảo nổi như Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa…, cây xanh rợp bóng. Đó chính là công sức của bộ đội kết hợp với sự đầu tư của đất liền…

Từ sự đầu tư đó, các cán bộ, chiến sĩ biển đảo đã làm gì để có thể hình thành một thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, thưa ông?

Chính những tình cảm từ đất liền đến với Trường Sa, đến với nhà giàn DK1 đã làm cho biển đảo yên lòng hơn, ấm lòng hơn. Điều đó đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ hải quân chúng tôi một niềm tin và quyết tâm chiến đấu. Bởi đằng sau chúng tôi là cả một dân tộc, là quê hương, là đất mẹ. Từ đó, chúng tôi thấy được trách nhiệm của những người nơi tuyến đầu của Tổ quốc trong việc tạo niềm tin cho toàn dân tộc nói chung và những ngư dân bám biển nói riêng, để hình thành nên thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Hàng năm, lực lượng hải quân trên các đảo, nhà giàn, các tàu thường xuyên làm tốt việc hỗ trợ, cứu giúp ngư dân lúc thiếu thốn nước ngọt, lương thực, thực  phẩm, lúc ốm đau, tai nạn, lúc bão gió thiên tai… Bất cứ lúc nào, hải quân cũng luôn là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân làm ăn trên biển.

Là một lãnh đạo Quân chủng Hải quân, theo Chuẩn Đô đốc, chiến lược hướng biển cần được đầu tư ra sao để phù hợp với tình hình mới, trong bối cảnh nhiều nước coi các đại dương là không gian sinh tồn của mình?

Khai thác tiềm năng biển, làm giàu từ biển và mạnh lên từ biển là yêu cầu vừa cấp thiết, vừa dài hạn. Tuy nhiên, theo tôi, với điều kiện nền kinh tế đất nước hiện nay, việc đầu tư cho chiến lược biển nên có định hướng rõ ràng, đầu tư mang tính mũi nhọn. Chẳng hạn, trước mắt sẽ hướng trọng điểm đầu tư vào vùng biển đảo giàu tiềm năng, thuận lợi cho phát triển các loại hình kinh tế biển, đặc biệt là các loại hình kinh tế có khả năng tăng nhanh nguồn thu GDP cho đất nước…

Trong việc định hướng đầu tư thì tính mục đích, tức là căn cứ và tầm nhìn của định hướng là rất quan trọng. Việc hỗ trợ về đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân là cần thiết, nhưng tôi cho chưa phải là giải pháp lâu dài. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì kinh tế biển phải là một ngành kinh tế tổng hợp, trong đó ngư dân và cả các doanh nghiệp phải là một mắt xích hữu hiệu trong vòng quay kinh tế đó.

Ông có thể nói cụ thể hơn những đề xuất về chiến lược phát triển kinh tế biển?

Thật ra, nói đó là mong muốn của tôi thì đúng hơn. Bởi tầm quan trọng của kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thức rất rõ. Đã có những chương trình hỗ trợ đóng tàu công suất lớn cho ngư dân đánh cá xa bờ, dịch vụ nghề cá, hoạt động khai thác dầu khí của các doanh nghiệp được đẩy mạnh… Ngược lại, sự hiện diện của ngư dân trên biển cũng chính là những cột mốc sống trong việc bảo vệ chủ quyền.

Tất nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nên công tác đầu tư chưa thực sự tương xứng với tiềm năng biển đảo của ta. Trong thời gian tới, để vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, ngư dân cần những dịch vụ nghề cá tương xứng, như những con tàu cấp đông lớn để thu đổi hải sản của ngư dân, thậm chí trên các đảo lớn cần những nhà máy chế biến hải sản tại chỗ, những cầu cảng, nhưng âu tàu lớn hơn để người dân vào nghỉ ngơi, tránh trú bão. Đó chính là những hỗ trợ ngư dân một cách căn cơ.

Một điều nữa tôi muốn nói là cần phát động tinh thần dấn thân của tuổi trẻ. Có thể nói, các đảo trên các vùng biển đảo của ta nói chung cũng như Trường Sa nói riêng luôn mong chờ một cơ chế phù hợp, tạo mọi điều kiện để những đôi thanh niên nam nữ xung phong ra đảo xây dựng quê hương mới.

Nhưng có ý kiến cho rằng, nghề cá hay kể cả khai thác dầu khí cũng chỉ là tài nguyên hữu hạn. Trong khi đó, vận tải hàng hải, logistic… mới là những ngành bền vững. Nhưng thực tế, các ngành này của ta chưa có sức cạnh tranh nào đáng kể trong khu vực, thưa Chuẩn Đô đốc?

Nói như thế là hơi phiến diện. Bởi nếu ta không biết dùng ngay những nguồn lực sẵn có để từ đó phát triển thì rất khó. Cũng như xây một ngôi nhà, phải bắt đầu từ mảnh đất có sẵn, nền tảng có sẵn. Lấy cái hữu hạn để phát triển cái vô hạn, lấy cái ngắn hạn để phát triển cái dài hạn là tôn trọng quy luật.

Đối với biển, không nắm được quy luật thì học phí phải trả sẽ rất đắt. Không gì mềm mại như nước, nhưng cũng không gì có sức tàn phá mạnh như nước. Cả một hòn đảo, nếu mình không biết cách giữ, nước có thể sẽ tiện đứt chân và làm nó trôi đi mất. Biển rất mạnh mẽ, nhưng biển cũng biết nâng đỡ con người, nâng đỡ cả một dân tộc. Quan trọng là ta phải biết lựa, biết dùng chính sức mạnh đó để nâng mình lên, chứ không phải là tìm cách chế phục nó. Câu chuyện về một ngư dân Phú Yên, 25 tiếng đồng hồ trôi dạt trên biển mà vẫn sống chính là minh chứng cho việc biết lợi dụng sức nước, hay là nắm được quy luật của biển vậy.

Tin bài liên quan