Giá cao su tăng: Bên lợi, bên thiệt
Sau giai đoạn sụt giảm (2010 - 2015), từ cuối năm 2016 giá cao su thế giới đã thoát đáy và phục hồi mạnh. Theo sát diễn biến này, 2 tháng đầu năm 2017, giá cao su trong nước tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, trước khi giảm dần từ tháng 3/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm, diễn biến giá cao su vẫn mang lại sự khởi sắc cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su tự nhiên như Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Đắk Lắk (DRI). Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp có lợi nhuận sụt giảm.
3 doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn tại Việt Nam gồm Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Sao Vàng(SRC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2017, với lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DRC lãi sau thuế 105,3 tỷ đồng, giảm 47%; CSM lãi 46,7 tỷ đồng, giảm hơn 62%; SRC lãi 24,5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2016.
Giá đầu vào tăng cao và áp lực cạnh tranh từ hàng Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm. Ông Phạm Ngọc Phú, thành viên Hội đồng quản trị độc lập DRC cho biết, giá đầu vào cao su tự nhiên 6 tháng đầu năm 2016 của DRC trung bình là 28.000 đồng/kg, nhưng 6 tháng đầu năm nay lên tới 40.000 đồng/kg.
“Hiện giá cao su đã giảm xuống 34.000 đồng/kg, chúng tôi kỳ vọng lợi quý III và IV sẽ tăng trở lại”, ông Phú nói.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, giai đoạn 2010 - 2015, giá cao su thường tăng trong những tháng đầu năm, sau đó giảm dần khi bắt đầu vào mùa vụ, kết thúc cuối năm ở mức 60 - 80% giá đầu năm. BSC dự báo, giá cao su năm 2017 sẽ lặp lại xu hướng này, ít có khả năng tăng đột biến về cuối năm như năm 2016.
Giá cá tra tăng: VHC, HVG gặp khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá cá tra bắt đầu tăng từ trước Tết Nguyên đán 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm vào tháng 4/2017. Giá nguyên liệu đầu vào (cá tra) liên tục tăng, trong khi giá bán không tăng tương ứng, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) giảm 27,6% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 234,9 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận quý II là 138 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), kết quả kinh doanh quý I/2017 (tức quý II theo niên độ tài chính bắt đầu từ 1/10/2016 của HVG) cho thấy, Công ty lỗ gần 41 tỷ đồng. Theo HVG, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi giảm do không đủ nguồn cung cấp cá giống, nông dân buộc phải cắt giảm sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ thức ăn từ đó giảm theo.
Giá cá nguyên liệu tăng do sản lượng thiếu hụt. Giá xuất khẩu cá fillet tăng mạnh do cung không đủ cầu. Công ty chủ động giữ hàng, không bán ngay ra thị trường để chờ ký những hợp đồng giá cao. Do đó, doanh thu quý I/2017 giảm 45% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm. AGF lãi vỏn vẹn 406 triệu đồng trong quý II/2017 (tức quý III niên độ tài chính từ 1/10/2016 của Công ty), trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 8,7 tỷ đồng. Với ABT, quý II/2017, Công ty lãi 4,7 tỷ đồng, giảm 8,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm lãi 14,9 tỷ đồng, giảm 38,3% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm do nguồn cung tăng và doanh nghiệp thu mua cầm chừng.
Phân bón, thép tăng giá: Lợi nhuận của DPM, TLH, TSC giảm
6 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) đạt doanh thu 4.350 tỷ đồng, giảm 2%; lợi nhuận sau thuế 454 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2016. DPM lý giải lợi nhuận sụt giảm chủ yếu là do giá khí đầu vào tăng (khí chiếm 70% giá thành Đạm Phú Mỹ). Riêng quý I/2017, giá bán mặt hàng urê Phú Mỹ trung bình trong quý I/2017 tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá khí tăng 60%, lên 5 USD/MMBTU, cao hơn khoảng 14% so với giá khí kế hoạch năm 2017.
Với các doanh nghiệp sản xuất thép, giá nguyên liệu (phôi thép, thép phế…) tăng trong quý I/2017, sau đó “hạ nhiệt” trong quý II, nhưng chủ yếu tác động vào kết quả kinh doanh quý II.
Quý I/2017, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lãi lớn nên 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận con số lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, một số trường hợp ghi nhận lợi nhuận 6 tháng giảm mạnh như Thép Tiến Lên (TLH) - lợi nhuận 178,8 tỷ đồng, giảm gần 30%; Gang Thép Thái Nguyên (TIS) - lợi nhuận 84,34 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.