Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam

Biến đổi khí hậu là rủi ro ngày càng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Công ty Quản lý Quỹ Dargon Capital Việt Nam, biến đổi khí hậu là loại rủi ro ngày càng quan trọng, cần quản trị để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại với các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc một lần nữa cảnh báo rằng không thể xem thường ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông, để giảm thiểu ảnh hưởng của loại rủi ro này, doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào?

Đúng là doanh nghiệp không thể chủ quan trước diễn biến khó lường của thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây là loại rủi ro mà doanh nghiệp trên thế giới đang chú trọng. Để giảm thiểu rủi ro và đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nên xem xét một số biện pháp sau:

Thứ nhất, áp dụng đánh giá rủi ro liên quan đến khí hậu. Các doanh nghiệp nên triển khai các phương pháp đánh giá rủi ro khí hậu, như khuyến nghị của TCFD (Task Force on Climate-related Financial Disclosures), để xác định và đánh giá các rủi ro về khí hậu vật lý mà doanh nghiệp có thể đối mặt. Bộ TCFD bao gồm các khuyến nghị cho các công ty để xây dựng năng lực quản trị khí hậu, hiểu mức độ tiếp xúc của họ với các rủi ro liên quan đến khí hậu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ và quản lý những rủi ro đó. Những khuyến nghị này được cấu trúc xoay quanh bốn yếu tố cốt lõi: Quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro, các chỉ số và mục tiêu.

Thứ hai, phòng ngừa qua bảo hiểm rủi ro khí hậu. Các công ty bảo hiểm thường đã tính đến rủi ro khí hậu vào chi phí bảo hiểm đối với các địa điểm thường xuyên gặp hiện tượng thời tiết cực đoan. Doanh nghiệp có thể xem xét điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ tài sản và giảm thiểu tổn thất tài chính trong các khu vực có nguy cơ cao, khi những tài sản này bị hư hại hoặc phá hủy do thiên tai.

Thứ ba, xây dựng và củng cố kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Cần xây dựng quy trình, kế hoạch ứng phó khẩn cấp toàn diện, bao gồm các biện pháp bảo vệ tài sản, an toàn lao động và các quy trình phục hồi sau thiên tai. Ví dụ, nhiều nhà xưởng tại Hải Phòng bị hư hại nặng nề bởi bão số 3 vừa qua thì khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cần có tiêu chuẩn cao hơn để chống chịu được tác động của thời tiết cực đoan.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững. Đầu tư vào hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các rủi ro từ thời tiết cực đoan sẽ giúp giảm thiểu tác động dài hạn và tăng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp.

Những biện pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đối phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sự bền vững và ổn định cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Siêu bão Yagi đã để lại hậu quả nặng nề tại các tỉnh phía Bắc

Siêu bão Yagi đã để lại hậu quả nặng nề tại các tỉnh phía Bắc

Doanh nghiệp đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là chủ thể quan trọng có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động giảm phát thải. Quỹ đầu tư như Dragon mong muốn thị trường Việt Nam có sáng kiến gì để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hơn trong kiểm kê khí nhà kính tiến tới đo lường chỉ số các-bon, xây dựng thị trường các-bon?

Để thúc đẩy các doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu kiểm kê khí nhà kính, đo lường chỉ số các-bon và tiến tới xây dựng thị trường các-bon, tôi cho rằng, cần có một số sáng kiến thiết thực, tập trung vào ba yếu tố: tiêu chuẩn hoá quy trình kiểm kê, cơ chế khuyến khích tài chính và hỗ trợ kỹ thuật.

Về tiêu chuẩn hóa quy trình kiểm kê và biện pháp giảm phát thải, cần thêm hướng dẫn chi tiết về các tiêu chí cụ thể về phương pháp đo lường, công cụ, hệ thống giám sát và cách thu thập dữ liệu để đảm bảo tính nhất quán trong báo cáo giữa các ngành. Đồng thời, nếu có thể, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về các công nghệ, biện pháp cụ thể cho từng ngành và lộ trình phù hợp cho việc giảm phát thải.

Về chuẩn mực báo cáo, cần có các quy định tiêu chuẩn báo cáo thống nhất, để doanh nghiệp có thể hiểu rõ cách báo cáo và đảm bảo các số liệu phát thải được công nhận. Tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức lễ ra mắt Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính. Đây là cuốn cẩm nang hữu ích, các doanh nghiệp nên tham khảo.

Về xây dựng cơ chế khuyến khích tài chính và phát triển các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, cần phát triển các cơ chế ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án nằm trong danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy), hoặc có thể nghiên cứu việc tài trợ một phần chi phí kiểm kê và đầu tư giảm phát thải cho doanh nghiệp. Việc kiểm kê và quản lý phát thải các-bon đòi hỏi kiến thức chuyên môn và công nghệ. Chính phủ và các tổ chức đầu tư nên hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo và cung cấp công cụ kỹ thuật để doanh nghiệp tiếp cận kiến thức và công nghệ kiểm kê các-bon hiệu quả, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, giảm chi phí tuân thủ và từng bước chuyển đổi sang hoạt động sản xuất phát thải thấp.

Theo ông, các quy định cơ bản về giảm thiểu khí thải, giảm biến đổi khí hậu nào ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam?

Hiện tại, có ít nhất 29 quốc gia áp dụng quy định bắt buộc về công bố thông tin ESG; trong đó Liên minh châu Âu (EU) đang đi đầu, phấn đấu đạt được mức trung hòa các-bon vào năm 2050. Riêng yêu cầu bắt buộc về kiểm kê khí thải (GHG) thì hiện có trên 40 quốc gia yêu cầu các cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp phải định kỳ đo lường và báo cáo lượng phát thải GHG của mình.

Tại Hoa Kỳ, ví dụ, tiểu bang California yêu cầu các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD phải công bố lượng phát thải trên toàn chuỗi cung ứng từ năm 2026. EU cũng đã ban hành Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) vào năm 2023, yêu cầu các công ty tại châu Âu công bố phát thải bắt đầu từ năm 2025.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, với mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị COP26 năm 2021. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 đã ban hành danh mục cập nhật các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có hiệu lực từ 1/10/2024. Như vậy, từ năm 2024, các doanh nghiệp có lượng phát thải vượt ngưỡng 3.000 tấn CO2e/năm bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và báo cáo định kỳ hai năm một lần.

Đặc biệt, từ năm 2026, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực phát thải cao (như năng lượng, giao thông, sản xuất công nghiệp) phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải. Ngoài ra, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định các doanh nghiệp niêm yết phải đính kèm báo cáo tác động môi trường và xã hội trong báo cáo thường niên, trong đó bao gồm công bố tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp cùng các biện pháp, sáng kiến giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Theo đó, báo cáo kiểm kê khí nhà kính hiện nay không còn là vấn đề tự nguyện, mà đã trở thành một yêu cầu pháp lý bắt buộc.

Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) là công cụ quan trọng trong chiến lược “Thỏa thuận xanh” của EU, nhằm giảm phát thải ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Từ ngày 1/10/2023, CBAM đã bắt đầu với giai đoạn chuyển tiếp và sẽ áp dụng thuế các-bon chính thức từ năm 2026 đối với các mặt hàng như điện, sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón và hydro.

Mặc dù CBAM hiện chỉ tác động trực tiếp đến một số ngành xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón (vốn không chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sang EU), cơ chế này sẽ làm tăng chi phí hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do phải gánh thêm thuế các-bon, từ đó giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường EU. Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu minh bạch về khí thải của CBAM nếu muốn tiếp cận thị trường này.

Với những quy định nêu trên, doanh nghiệp nên chủ động cập nhật tiến độ của CBAM và các quy định tương tự, đồng thời phát triển hệ thống kiểm kê và báo cáo khí thải để đáp ứng các yêu cầu từ EU.

Doanh nghiệp có thể cải tiến quy trình sản xuất xanh hơn, đánh giá các phương pháp sản xuất và quy trình nội bộ để giảm lượng khí thải trong toàn chuỗi cung ứng để giảm chi phí tiềm ẩn từ CBAM và còn giúp tăng tính cạnh tranh; khai thác cơ hội từ sản phẩm phát thải thấp hơn mức trung bình ngành hoặc so với đối thủ cạnh tranh để xây dựng lợi thế thương mại tại các thị trường phát triển với người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường; ứng dụng phần mềm quản lý phát thải các-bon tự động hóa quá trình kiểm kê và báo cáo, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng tính chính xác của dữ liệu, giúp các doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định mà còn thúc đẩy các chiến lược bền vững dài hạn.

Tin bài liên quan