Biến đổi khí hậu có thể khiến các quốc gia bị hạ xếp hạng tín nhiệm

Biến đổi khí hậu có thể khiến các quốc gia bị hạ xếp hạng tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một nghiên cứu mô phỏng tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia, việc thất bại trong hạn chế lượng khí thải carbon sẽ dẫn đến chi phí trả nợ tăng lên đối với 59 quốc gia trong thập kỷ tới.

Nghiên cứu thực hiện bởi Đại học East Anglia (UEA) và Đại học Cambridge được công bố trên tạp chí khoa học Management Science công bố hôm thứ Hai (7/8) cho thấy, các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada… có thể phải chịu chi phí cao hơn khi điểm tín nhiệm giảm hai bậc theo hệ thống xếp hạng "điều chỉnh theo khí hậu".

Nhà nghiên cứu Patrycja Klusak cho biết: “Kết quả của chúng tôi ủng hộ ý kiến cho rằng việc trì hoãn đầu tư xanh sẽ làm tăng chi phí vay nợ của các quốc gia, điều này sẽ dẫn đến chi phí nợ doanh nghiệp cao hơn”.

Chi phí nợ gia tăng sẽ chỉ là một khía cạnh bổ sung của thiệt hại kinh tế tổng thể mà biến đổi khí hậu đã gây ra. Tập đoàn bảo hiểm Allianz ước tính rằng, các đợt nắng nóng gần đây sẽ làm giảm 0,6% sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Mặc dù các cơ quan xếp hạng thừa nhận tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế trước biến đổi khí hậu, nhưng cho đến nay họ vẫn thận trọng trong việc định lượng những rủi ro đó trong các bài xếp hạng do không chắc chắn về mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Nghiên cứu của UEA/Cambridge đã đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo dựa trên xếp hạng hiện có của S&P Global, sau đó kết hợp mô hình đó với các mô hình kinh tế khí hậu và đánh giá rủi ro thiên tai của chính S&P Global để tạo xếp hạng mới cho các kịch bản khí hậu khác nhau.

Việc hạ xếp hạng 59 quốc gia xuất hiện từ kịch bản phát thải RCP8.5 tiếp tục tăng. Để so sánh, 48 quốc gia đã bị hạ xếp hạng trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021 - thời kỳ hỗn loạn của đại dịch Covid-19.

Nếu hành tinh cố gắng tuân thủ mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris, xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia theo mô phỏng sẽ không thấy tác động trong ngắn hạn và chỉ có tác động dài hạn ở mức hạn chế.

Mặt khác, một kịch bản xấu nhất về lượng khí thải cao cho đến cuối thế kỷ sẽ dẫn đến chi phí trả nợ toàn cầu cao hơn, tăng lên tới hàng trăm tỷ đô la tiền hiện tại.

Trong khi các quốc gia đang phát triển có điểm tín nhiệm thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động vật lý của biến đổi khí hậu, thì các quốc gia có điểm tín nhiệm xếp hạng cao nhất có khả năng phải đối mặt với việc bị hạ xếp hạng nghiêm trọng hơn chỉ vì họ bị tụt hạng nhiều nhất.

"Không có người chiến thắng”, nhà nghiên cứu Patrycja Klusak cho biết.

Những phát hiện này được đưa ra khi các cơ quan quản lý trên khắp thế giới tìm cách hiểu rõ hơn mức độ thiệt hại đối với các nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra. Một bài báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) năm ngoái đã thúc giục sự rõ ràng hơn về cách những rủi ro đó được đưa vào xếp hạng tín nhiệm.

S&P Global Ratings đã công bố các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được sử dụng trong xếp hạng tín nhiệm, trong đó có đề cập đến rủi ro thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu và các chi phí liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro đó.

Fitch Ratings đã chỉ ra hệ thống "Điểm phù hợp với ESG" khi bao gồm các yếu tố như mức độ tiếp xúc với các tác động của môi trường như một thành phần trong các đánh giá của mình.

"Đây là những yếu tố đánh giá lâu đời và ngày càng quan trọng mà chúng tôi tiếp tục cân nhắc trong phân tích của mình và công bố nghiên cứu, bình luận thường xuyên", Fitch Ratings cho biết.

Tin bài liên quan