Cậu chuyện không mới
Chắc hẳn nhiều đọc giả thế hệ 8X-9X chưa thể quên được bộ truyện tranh Nhật Bản “Mankichi - Đại tướng nhóc con” của tác giả Hiroshi Motomiya. Đây là bộ truyện tranh từng gây sốt vào những năm 2000-2003.
Ở truyện, một chi tiết khá thú vị là việc nhân vật chính - cậu bé Mankichi đã dùng 1 triệu yên gom góp từ những người bạn ăn mày vào việc đầu tư mua cổ phiếu của Công ty Xây dựng Shô-Oa ngay lúc công ty này làm ăn thảm hại, cổ phiếu giảm xuống đáy. Tuy vậy, điều đáng nói là việc Mankichi trước đó đã phát hiện ra kế hoạch của Công ty Shô-Oa về việc âm thầm nghiên cứu sản xuất ra một loại vật liệu xây dựng siêu bền, siêu nhẹ, có thể lắp ghép dễ dàng vào nhau để trở thành một ngôi nhà mà không cần đinh vít.
Vì không cần sử dụng vật liệu bê tông, nên giá thành một sản phẩm nhà lắp ghép bằng vật liệu mới này chỉ vào khoảng 200.000 yên - tương đương một chiếc tủ lạnh.
Trong truyện, Mankichi cùng những người bạn đã bằng mọi cách bảo vệ đến cùng dự án nhà siêu bền, siêu nhẹ của Công ty Shô-Oa trước sự phá hoại của các công ty đối thủ ngay trong buổi thử nghiệm tại vách núi sát biển tại thời điểm bão lớn đổ bộ vào. Sau trận bão, ngôi nhà mẫu của Shô-Oa đã đứng vững thành công và gây được tiếng vang, cổ phiếu Công ty Shô-Oa cũng theo đó lên giá chóng mặt đưa Mankichi trở thành triệu phú.
Điều đáng nói ở đây không phải là cậu chuyện cậu nhóc Mankichi trở thành triệu phú, mà chính là vấn đề các sản phẩm bất động sản, địa ốc phải được thiết kế làm sao đủ khả năng chịu được những tác động khắc nghiệt của thời tiết, môi trường, đặc biệt là đối với những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như Việt Nam hay Nhật Bản.
Kiến trúc sư Andrew Richard Frost, Công ty Thiết kế Dark Horse Architect - kiến trúc sư thiết kế Dự án Ariyana Beach Resort & Suites Danang cho rằng, hầu như mọi nền văn hóa lưu truyền từ xưa đến nay đều phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ với môi trường và khí hậu. Các nền văn hóa phải trải qua biết bao thăng trầm, khiến cho kiến trúc xây dựng có tính tương tác với các yếu tố tự nhiên. Nền văn hóa của mỗi địa phương đã hình thành nên lối sống và hệ tư tưởng gắn chặt với thời tiết, cũng như đặc điểm môi trường của địa phương đó.
Theo kiến trúc sư Andrew Richard Frost, ở Việt Nam, các yếu tố đặc trưng này chính là bóng râm và nhà cửa tránh được mưa, ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, vẫn tận dụng lối kiến trúc linh hoạt đón được gió mát, sử dụng các vật liệu tự nhiên sẵn có, cũng như phát triển những kỹ thuật đặc biệt để tạo nên lối sống bền vững cho cộng đồng.
Có thể nói, mối quan hệ giữa dự án bất động sản với môi trường, khí hậu không phải là vấn đề mới. Thực tế, nhiều năm qua các chuyên gia đã thảo luận vấn đề này rất nhiều cũng như đã đưa ra nhiều giải pháp đề xuất.
Tạo sự thích nghi
Thị trường bất động sản Đà Nẵng trong những năm qua liên tục bùng nổ, số lượng các dự án tăng lên nhanh chóng. Với vị trí sát biển và đã từng chịu thiệt hại nặng nề do các cơn bão lớn gây ra trong quá khứ, do vậy, làm thế nào để các dự án bất động sản có thể thích nghi được các tác động của thời tiết, môi trường đã và đang là một yếu tố quan trọng buộc các chủ đầu tư phải tính đến.
Kiến trúc sư Andrew Richard Frost cho biết, nhiệt độ và độ ẩm cao là những vấn đề thường gặp tại các địa phương ven biển miền Trung. Giải pháp công trình phù hợp nhất luôn là chọn hướng xây tốt để tăng cường sự thông gió và chiếu sáng của mặt trời, qua đó gia tăng sự khô thoáng nhờ vào sự lưu thông thường xuyên của các luồng khí. Kết hợp với việc sử dụng các chất liệu xây dựng chất lượng cao và quy trình xây dựng đạt chuẩn.
“Tại Dự án Ariyana Beach Resort & Suites Danang, chúng tôi sở hữu một đội ngũ vận hành dày dặn kinh nghiệm, những người đã luôn duy trì thành công chất lượng của khu nghỉ dưỡng đạt mức tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều năm liền. Họ nắm rõ cách chuẩn bị phòng cho khách, thông thạo cách thức bài trí và đưa mỗi phòng trong khu nghỉ dưỡng về trạng thái tốt nhất, đồng thời duy trì được trải nghiệm chất lượng cao cho du khách,” kiến trúc sư Andrew Richard Frost nói.
Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc sàn Bất động sản Rồng Bay, đơn vị phân phối Dự án FPT City Đà Nẵng cho biết, Dự án Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng là dự án được quy hoạch tại vị trí Đông Nam Thành phố (nơi được quy hoạch sẽ trở thành trung tâm quận Ngũ Hành Sơn trong tương lai), nằm bên sông Cổ Cò và sát biển. Do vậy, chủ đầu tư là Tập đoàn FPT đã chú trọng tập trung xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông và san nền tạo mặt bằng cao cho khu đô thị trước khi tiến hành thi công công trình.
“Dự án đã được tính toán để làm sao có khả năng thích nghi với những tác động biến đổi khí hậu trong tương lai 50 năm. Trước hết, FPT City Đà Nẵng được thiết kế với khả năng chống ngập, có cao độ 4m so với mực nước biển. Các nền được thi công rất kỹ, đặc biệt, các công trình biệt thự, nhà phố được đơn vị tiến hành xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với độ bền cực kỳ cao, có khả năng chịu lực rất lớn; vật liệu xây dựng sử dụng gạch không nung và bê tông nhẹ có khả năng chống nóng, chống thấm, chống ăn mòn tuyệt đối… Ngoài ra, các công trình nhà ở đều sử dụng những công nghệ tiên tiến, có khả năng tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên”, bà Trang cho biết.
Tương tự, ông Shin Yong Kyu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc, chủ đầu tư Dự án Blooming Tower Danang (toạ lạc bên vịnh Đà Nẵng, gần cầu Thuân Phước) cho biết, để tạo sự bền vững cho công trình, Blooming Tower Danang đã được các kiến trúc sư hàng đầu Hàn Quốc thiết kế xây dựng với cấu trúc vững chắc, toà nhà có kết cấu hai lớp kính dày 16mm, có khả năng chống chịu những cơn siêu bão và động đất.
“Khắc phục nhược điểm thiếu không khí sạch như những công trình cao ốc khác, Blooming Tower Danang ngay từ đầu được thiết kế lắp đặt hệ thống thông gió trong và ngoài toà nhà để gió có thể lưu thông dễ dàng, giúp khách hàng tận hưởng được chính nguồn không khí trong lành và tự nhiên nhất. Cùng với đó, bằng việc sử dụng loại kính hai lớp cho toà nhà, sẽ làm giảm nhiệt độ, giúp ngăn tia cực tím và tiếng ồn có thể xâm nhập vào toà nhà”, ông Shyn Yong Kyu chia sẻ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com