Người hưởng lương từ NSNN vẫn chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, tuy nhiên, Nghị quyết 25/2016/QH14 yêu cầu giai đoạn 2016 - 2020 phải giảm chi thường xuyên xuống dưới xuống dưới 64%. Thưa ông, hai mục tiêu này liệu có mâu thuẫn nhau?
Mục tiêu giảm chi thường xuyên và tăng thu nhập cho khu vực nhà nước không hề mâu thuẫn nhau như có người ví von là “vừa nhấn ga, vừa nhấn phanh”.
Thực tế trong giai đoạn qua, có những năm, cân đối NSNN rất khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở cho khu vực hưởng lương từ NSNN.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội yêu cầu giảm chi thường xuyên, nhưng tôi tin rằng, tùy thuộc vào cân đối ngân sách hằng năm, Quốc hội sẽ có kế hoạch điều chỉnh tiền lương cơ sở với mức tăng bình quân khoảng 7%/năm.
Trong 2 lần nâng lương tối thiểu vừa qua, Chính phủ đều yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải triệt để tiết kiệm chi tiêu, lấy tiền để tăng lương. Nhưng tiết kiệm chi cũng có giới hạn và khi không còn tiết kiệm được nữa thì lấy nguồn đâu để tăng lương?
Năm 2013 và 2014, giá dầu thô lao dốc quá nhanh, nguồn thu ngân sách bị tác động rất mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong quá trình lập dự toán, các cơ quan sử dụng NSNN phải tiết kiệm ngay 10% chi thường xuyên.
Trong điều hành ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu phải tiết kiệm tiếp 10% chi thường xuyên theo dự toán, nhưng không được cắt giảm các khoản chi cho con người như lương, học bổng cho sinh viên, an sinh xã hội…
Phải khẳng định rằng, tiết kiệm chi thường xuyên được thực hiện triệt để như hạn chế và chấm dứt các khoản chi không cần thiết (tiếp khách, khánh thành, lễ kỷ niệm); giảm tối đa khoản chi chưa cần thiết (như đi học tập, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước...).
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính).
Kết quả là, mỗi năm, Nhà nước chỉ phải bỏ ra 30.000 - 40.000 tỷ đồng để chi tăng lương người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu…, còn người đang làm việc vẫn được tăng lương, nhưng Nhà nước không phải bỏ ra đồng nào, đều lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên.
Đúng là tiết kiệm cũng có giới hạn, nên để thực hiện lộ trình tăng lương cùng với giảm chi thường xuyên thì phải thực hiện các giải pháp căn cơ khác.
Giải pháp căn cơ là gì, phải chăng vẫn là bài toán tinh giản biên chế?
Lộ trình tinh giản biên chế đã có, số lượng biên chế tinh giản hằng năm sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, hiệu quả phục vụ xã hội, doanh nghiệp, người dân của khu vực quản lý nhà nước, chứ không phải nhằm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Thực ra, biên chế cũng khó có thể giảm mạnh hơn nữa, bởi tốc độ tăng dân số nước ta mỗi năm khoảng 1 triệu người.
Hơn nữa, theo quy định, mỗi công chức, viên chức chỉ có thể phục vụ tối đa lượng người dân nhất định, khi dân số tăng thì phải tăng biên chế, dân số tăng đến mức nào đó thì phải tách đơn vị hành chính và đơn vị hành chính tăng thì phải tăng biên chế.
Ví dụ, khi dân số huyện Từ Liêm (Hà Nội) vượt quá sự phục vụ của cơ quan nhà nước, thì tách huyện Từ Liêm thành quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm (mới), sau đó lại thành lập quận Cầu Giấy và mới đây lại tiếp tục tách huyện Từ Liêm.
Căn cơ của việc tăng lương là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, tài chính và dần dần cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở chuyển phí thành giá dịch vụ.
Ví dụ, hàng năm, ngân sách phải bảo đảm 100 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai để chi tiêu thường xuyên, nhưng khi chuyển đơn vị này từ sử dụng 100% ngân sách thành đơn vị phải tự chủ 100% thì Nhà nước không phải chi 100 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai nữa, số tiền này một phần để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y, một phần để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Kể từ ngày 1/1/2017, có 45 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ, thì tỷ trọng chi thường xuyên sẽ giảm, trong khi lương cơ sở vẫn tăng được.
Chi thường xuyên chủ yếu là chi trả thu nhập cho khu vực nhà nước, tức là chi cho con người. Khi thu nhập của công chức, viên chức không bảo đảm thì khó lòng yêu cầu họ tận tâm, tận lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước?
Đúng là “thù lao” mà Nhà nước trả cho người lao động hiện chưa tương xứng với công sức của nhiều người. Chính vì vậy mới phải thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo hướng lương cơ sở sẽ được điều chỉnh dần để bảo đảm cho công chức, viên chức có mức thu nhập trên mức tối thiểu, nhưng vẫn phải giảm tỷ lệ chi thường xuyên trên tổng thu NSNN, vì hiện tại, thu ngân sách chỉ đủ để chi thường xuyên và trả nợ lãi.
Các khoản dành cho đầu tư phát triển hầu hết phải đi vay, vay đến hạn không có nguồn để trả lại phải đi vay để đảo nợ sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia vì nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ tăng đến sát ngưỡng cho phép. Chính vì vậy, vẫn phải giảm tỷ lệ chi thường xuyên, lấy tiền tăng chi đầu tư phát triển.