Ảnh Internet
Báo cáo cho rằng, mặc dù NHNN đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ vào cuối tháng 5 khẳng định việc thực hiện cam kết điều chỉnh không quá 2% đối với tỷ giá USD, cũng như sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định thị trường, không thể phủ nhận các rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá là không hề nhỏ.
Diễn biến thị trường ngoại hối bên cạnh yếu tố về mặt cung - cầu truyền thống sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào thái độ và cách thức điều hành thị trường ngoại hối của NHNN.
Thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý III, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. Tỷ giá USD nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo xu hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800-21.890.
Hai yếu tố được xác định là quan trọng nhất sẽ hỗ trợ cho sự ổn định căn bản của thị trường là vai trò điều hành tích cực của NHNN và cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư.
Về vai trò điều hành của NHNN, Báo cáo của BIDV nhận định, NHNN đã liên tiếp phát đi thông điệp về chủ trương giữ ổn định thị trường ngoại hối trong 6 tháng cuối năm 2015 theo đúng biên độ đã cam kết.
Mặc dù đây là một nhiệm vụ khó khăn, song quyết tâm và sự nhất quán trong chính sách điều hành của NHNN sẽ là một điểm cộng lớn, giúp nâng cao niềm tin của thị trường. Đồng thời, dự trữ ngoại hối quốc gia đã được cải thiện khá mạnh mẽ trong những năm vừa qua là một bệ đỡ hỗ trợ NHNN trong nhiệm vụ khó khăn này.
“NHNN hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu. Vì vậy, nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn, thì nhiều khả năng NHNN sẽ hoàn thành mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay”, đánh giá của Trung tâm nghiên cứu BIDV.
Theo dự báo của BIDV, cán cân thanh toán tổng thể có thể tiếp tục thặng dư thêm khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2015.
Trong khi đó, tình trạng nhập siêu dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 6 tháng cuối năm, nhưng mức thâm hụt sẽ chưa nới rộng thêm, xoay quanh khoảng 3-4 tỷ USD.
Trên cơ sở xem xét cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm có thể thấy, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, linh kiện hàng điện tử tăng mạnh và tập trung chủ yếu ở khu vực FDI.
Với lượng máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tăng nhanh trong nửa đầu năm, kỳ vọng xuất khẩu sẽ lạc quan hơn trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê 4 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm so với đầu năm (bình quân 4 năm là 15,63%) thường cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (bình quân 4 năm là 11,66%). Yếu tố chu kỳ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.
Thứ hai, một số các hiệp định thương mại/hợp tác song phương/đa phương Việt Nam tham gia đã/sẽ được ký kết trong năm 2015 sẽ là yếu tố tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của những hiệp định song/đa phương này.
Thứ ba, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang được bước tiến lịch sử và hứa hẹn có thể tạo ra một sự dịch chuyển đáng kể của dòng vốn đầu tư từ Mỹ sang Việt Nam.
Thứ tư, kinh tế Trung Quốc đang tạo ra lo ngại lớn đối với giới đầu tư và đây cũng được xem là một cơ hội cho kinh tế Việt Nam về thu hút dòng vốn đầu tư. Dự báo giải ngân FDI có thể đạt 6-7 tỷ USD, FII ròng vào khoảng 400 triệu USD, giải ngân ODA vào khoảng 3-4 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo BIDV, với điều kiện của thị trường trong năm nay, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối là rất lớn.