Đợt chào bán trái phiếu với quy mô 2.000 tỷ đồng, nếu thành công sẽ giúp hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất của BIDV tăng thêm khoảng 0,6%, lên 10,87%, theo các số liệu trình bày trong Bản công bố thông tin sơ bộ về trái phiếu của Ngân hàng. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2013, hệ số CAR của BIDV là 10,23%, thấp hơn so với mức chung 10,92% của khối NHTM Nhà nước, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
Thậm chí, theo tính toán của CTCK TP. HCM (HSC), CAR của BIDV tính đến thời điểm cuối quý I/2014 đang ở mức 9,73% (mức tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 9%). Điều đó sẽ khiến BIDV “cần sớm huy động thêm vốn mới”, Báo cáo cập nhật cổ phiếu BIDV ngày 26/5/2014 của HSC viết.
“Ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả tài khoản vốn và các công cụ nợ, nhằm đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn”, BIDV viết trong Bản công bố thông tin sơ bộ.
Việc tăng “sức khỏe” có ý nghĩa đáng kể với BIDV trong bối cảnh ngân hàng này đang đẩy mạnh tín dụng hơn hẳn các ngân hàng khác trong ngành. Một số chuyên gia cho rằng, BIDV có thể đang nỗ lực tái cơ cấu một số khoản nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh cho vay một số doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn như EVN, Becamex, Vinacomin và Vinatex do vị thế của một NHTM Nhà nước.
Dư nợ của Ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2014 đã tăng 1,8% so với cuối năm 2013, lên 398.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều tốc độ tăng bình quân 0,01% của toàn ngành, theo báo cáo tài chính quý I/2014 của BIDV.
Theo HSC, nếu tính cả việc cho vay qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng của BIDV trong 3 tháng đầu năm tăng 3%, đạt 422.000 tỷ đồng và “trong ĐHCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4, Ban lãnh đạo BIDV đã cho thấy sự quan tâm đối với trái phiếu doanh nghiệp”, vì lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp nói chung cao hơn cho vay thông thường và Ngân hàng được hưởng phí từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng, rủi ro đối với các khoản vay trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn cho vay thông thường.
Không chỉ có hệ số CAR đang thấp hơn các ngân hàng TMCP có quy mô tương đương, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của BIDV cũng đang gần chạm mức tối đa cho phép: tỷ lệ này tại ngày 31/12/2013 là 28,8%, so với mức trần 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn của BIDV vào thời điểm cuối quý I đã tăng đáng kể so với đầu năm, tăng 32%.
“Cần phải lưu ý rằng, nợ nhóm 5 chiếm đến 69% tổng nợ xấu của BIDV”, CTCK Sài Gòn (SSI) nhận xét trong báo cáo về kết quả kinh doanh quý I/2014 của Ngân hàng.
Tuy nhiên, HSC cũng đánh giá BIDV là ngân hàng nghiêm túc nhất trong việc trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm qua, sau khi dùng hơn 50% lợi nhuận để trích lập dự phòng hàng năm.
“Thông thường, các khoản cho vay của BIDV có độ rủi ro cao hơn so với các ngân hàng khác, tuy nhiên, Ngân hàng cũng đang nỗ lực hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán”, HSC viết trong báo cáo phân tích ngày 26/5.
Trái phiếu của BIDV đã được chào bán từ đầu tháng này, với hai loại kỳ hạn là 10 năm và 15 năm. Cả hai trái phiếu này đều cố định lãi suất trong 5 năm đầu. Sau 5 năm, Ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đó, hoặc điều chỉnh lãi suất.
Với các điều khoản như vậy, trái phiếu của BIDV đủ điều kiện theo quy định pháp lý để tính vào vốn tự có, đồng nghĩa với việc giúp tăng hệ số an toàn vốn cho Ngân hàng.
Lãi suất chào bán sẽ chưa được chốt cho đến cuối tháng. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ cao hơn lãi suất huy động 12 tháng khoảng 1,5%/năm.
Hồi quý III năm ngoái, khi CAR gần chạm mức tối thiểu cho phép, BIDV đã thực hiện một loạt biện pháp gồm phát hành cổ phiếu và cả phát hành trái phiếu 10 năm, giúp CAR sau đó tăng vọt lên trên 11%, theo số liệu Ngân hàng cung cấp cho ĐTCK. Đợt phát hành trái phiếu khi đó đã phát hành được 3.150 tỷ đồng, là đợt phát hành có quy mô lớn nhất trong năm của các tổ chức tín dụng, bất chấp lợi suất thấp hơn hẳn so với các đợt phát hành cùng năm.