Ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn tăng trưởng 11%, dư nợ tín dụng tăng 12%, nợ xấu dưới 2%, tỷ lệ chia cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2018 (dự kiến 6%).
BIDV cho biết, để thực hiện các mục tiêu này, ngân hàng xác định tập trung khắc phục các hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, Ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính và thực hiện các biện pháp tăng vốn khác như phát hành trái phiếu cấp 2, tăng vốn từ nguồn thặng dư phát hành thêm cổ phần và nguồn nội lực; phấn đấu tăng mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình quy định tại Thông tư 41…
Năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 44.483 tỷ đồng, tăng 14%. Tuy nhiên, với 16.117 tỷ đồng chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 18.893 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 9% so với năm 2017, đạt 9.473 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản BIDV hơn 1.313.038 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm trước, tiếp tục là ngân hàng TMCP có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Dư nợ tín dụng và đầu tư 1.237,76 tỷ đồng, tăng 7,2%, trong đó dư nợ tín dụng gần 1.011 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 1,9%.
Với kết quả đạt được ở trên, tại Đại hội, BIDV cũng xin ý kiến thông qua phương án phân phối lợi nhuận với mức chi trả cổ tức năm 2018 là 6% bằng tiền mặt, tương ứng tổng số tiền chi trả hơn 2.051 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ, HĐQT BIDV sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2019 và cập nhật về tiến độ triển khai cũ được thông qua năm 2018.
Cụ thể, theo kế hoạch tại ĐHCĐ thường niên năm 2018, BIDV đã thông qua phương án tăng vốn theo 4 cách. Đó là: Phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng 170,9 triệu cổ phiếu mới; Phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; Phát hành 170,9 triệu cổ phiếu ESOP; Phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận.
Tuy nhiên trong năm vừa qua, BIDV vẫn chưa thể thực hiện do chưa được Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến.
Năm nay, HĐQT Ngân hàng sẽ trình lại kế hoạch tăng vốn lên hơn 9.500 tỷ đồng mà ĐHCĐ thường niên năm 2018 đã thông qua.
Trong đó, về phương án phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, BIDV cho biết, ngày 21/2/2019 vừa qua, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho BIDV tăng vốn từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank để.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BID giao dịch khá khởi sắc trong phiên sáng 18/4 với mức tăng 1,6%, tạm đứng giá 35.350 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 286.720 đơn vị sau hơn 90 phút giao dịch. Tính trung bình 10 phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh của BID đạt hơn 1,11 triệu đơn vị.