Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bích Chi nộp hồ sơ 10 năm mới… lên sàn

(ĐTCK) Từng nộp hồ sơ từ năm 2010, bẵng đi gần 10 năm, cuối tháng 12/2019, CTCP Thực phẩm Bích Chi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận niêm yết hơn 18,33 triệu cổ phiếu với mã BCF.

Tiền thân của CTCP Thực phẩm Bích Chi là Nhà máy Bột Bích Chi, được thành lập năm 1966 tại Ðồng Tháp. Năm 2000, Công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ là 2,8 tỷ đồng. Sau 12 đợt tăng vốn, hiện tại, Công ty có vốn điều lệ 183,34 tỷ đồng.

Tính tới ngày 10/9/2019, Công ty có 8 cổ đông lớn, đều là cổ đông cá nhân. Trong đó, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc nắm tỷ lệ cao nhất với 14,2% vốn. Cổ đông lớn tiếp theo là ông Bùi Văn Sáu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc, với tỷ lệ sở hữu 10,01% cổ phần.

Thực phẩm Bích Chi hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm và kinh doanh xuất nhập khẩu các loại thực phẩm, với 4 nhóm sản phẩm chủ lực là: bánh phồng tôm; bột; hủ tiếu, bánh phở, bún, miến và bánh tráng.

Trong đó, bánh phồng tôm và hủ tiếu - phở - bún - miến là hai nhóm sản phẩm chủ lực, với tổng tỷ trọng dao động từ 75 - 78% doanh thu.

Nhóm sản phẩm còn lại bao gồm các sản phẩm thứ yếu hoặc mới ra mắt thị trường như cháo ăn liền, kẹo gạo lức đậu phộng, trà sữa, matcha trà xanh, trà chanh... 

Hiện trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có nhiều công ty đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch có ngành nghề kinh doanh tương tự với Thực phẩm Bích Chi. So với các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty có quy mô vốn thuộc nhóm đầu (chỉ đứng sau CTCP Hàng tiêu dùng Masan).

Xét về tổng tài sản, Bích Chi là doanh nghiệp thuộc nhóm bình quân khi thấp hơn MCH, CMF, nhưng lại cao hơn nhiều khi so với SGC, SAF và có quy mô tương đương CAN, CMN.

Xét về hiệu quả kinh doanh, số liệu kinh doanh 9 tháng năm 2019 cho thấy, Công ty thuộc nhóm bình quân trong các doanh nghiệp được so sánh, khi thấp hơn các doanh nghiệp có thị phần sản phẩm lớn như MCH và CFM, nhưng lại tốt hơn rất nhiều so với SGC, CAN, CMN... (xem bảng).

Với đặc thù sản xuất - kinh doanh của Công ty, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá vốn hàng bán, dao động từ 76% đến 80%, sự biến động trong chi phí nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán, cũng như biên lợi nhuận gộp của Thực phẩm Bích Chi.

Nhìn lại lịch sử hoạt động của Công ty, có thể thấy, hiệu quả sinh lời trên vốn khá tốt, nhưng có sự biến động khá mạnh qua các năm.

Nếu như năm 2011, thu nhập trên mỗi cổ phần của Công ty đạt 14.278 đồng thì năm 2012 là 9.643 đồng, năm 2013 là 5.503 đồng, năm 2014 tăng lên 7.972, đến năm 2015 lại rơi xuống 4.056 đồng. Sau 2016 tăng lên 4.481 đồng, EPS của Công ty lại rơi xuống 3.043 đồng trong năm 2017 và 2.223 đồng trong năm 2018. 

Bích Chi nộp hồ sơ 10 năm  mới… lên sàn ảnh 1

9 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Bích Chi đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần 384,12 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 9,12% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 44,18 tỷ đồng, tăng 45,85% so với cùng kỳ. Theo đó, Công ty đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019.

Bích Chi nộp hồ sơ 10 năm  mới… lên sàn ảnh 2

Thị trường xuất khẩu mang lại doanh thu chủ yếu cho sản phẩm của Bích Chi với doanh thu hàng năm chiếm trên 61% tổng doanh thu thuần.

Ðáng chú ý, Công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân (CAGR) khá ấn tượng trong giai đoạn 2010 tới nửa đầu năm 2019, thậm chí vượt trội so với Xuất nhập khẩu Sa Giang (cùng hoạt động tại thành phố Sa Ðéc).    

Tin bài liên quan