Nhiều khoản chi phí tăng làm sụt lợi nhuận
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất đã kiểm toán, Bibica đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 là 1.503,6 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn giảm 12,86%, khi chỉ đạt 95,4 tỷ đồng so với 109,5 tỷ đồng của năm 2018.
Trong văn bản giải trình, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica nêu ra một số lý do chính khiến lợi nhuận Công ty sụt giảm so với năm 2018. Ba yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh là giá vốn hàng bán năm 2019 tăng 2,36% so với năm trước, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều tăng.
Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2019 tăng 25,6% so với năm 2018, tỷ lệ chi phí bán hàng so với doanh thu thuần cũng tăng hơn với 21,37% so với tỷ lệ 17,99% của năm 2018. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khoảng 3,17%.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 25,52% cũng là một trong những lý do làm suy giảm lợi nhuận năm 2019 của Bibica.
Rắc rối chuyện hạch toán
Trong báo cáo tài chính kiểm toán của Bibica, một trong những nội dung đáng chú ý là việc kiểm toán viên Từ Thái Sơn thuộc Công ty Ernst & Young nêu ý kiến nhấn mạnh khi cho biết, Công ty ghi nhận một khoản phải thu liên quan đến khoản thuế giá trị gia tăng bị truy thu của hàng hóa dùng để khuyến mại và tiền phạt chậm nộp đã nộp cho cơ quan thuế. Số tiền lần lượt là hơn 5 tỷ đồng và gần 964 triệu đồng.
Giải thích về nội dung này, Bibica cho biết, đây là khoản thuế giá trị gia tăng bị truy thu và tiền phạt do khai sai, chậm nộp cho cơ quan thuế theo biên bản kiểm tra thuế hồi tháng 1/2019 và quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về kết quả quyết toán thuế của Nhà máy Bibica Hà Nội cho các năm tài chính 2016 - 2017.
Khoản này phát sinh liên quan đến các sản phẩm và hàng hóa dùng để khuyến mại của Nhà máy, mà theo cơ quan thuế, là không thuộc đối tượng được xác định giá tính thuế bằng không. Ban Tổng giám đốc Công ty đã nộp các khoản trên theo yêu cầu, nhưng vẫn đánh giá rằng, khoản truy thu thuế giá trị giá tăng và tiền phạt nêu trên sẽ được hoàn trả khi Công ty hoàn thành việc giải trình đầy đủ hồ sơ và cơ sở cho cơ quan thuế.
Bibica cho rằng, hàng hóa mà Nhà máy sản xuất dùng để khuyến mại là thực hiện cho các chương trình khuyến mại của Công ty và các chương trình này đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về thương mại. Do đó, Công ty đã hạch toán như khoản phải thu ngắn hạn khác tại ngày báo cáo và đang trong quá trình làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về việc yêu cầu hoàn trả các khoản nêu trên và kết quả sau cùng hiện chưa xác định.
Vấn đề đặt ra đối với Bibica là, dù Công ty đang hy vọng được hoàn thuế, nhưng điều này là khá mong manh, khi phía các cơ quan chức năng chưa có động thái gì cho thấy sẽ chấp nhận đề nghị hoàn thuế. Nếu đề nghị hoàn thuế của Bibica bị cơ quan có thẩm quyền chính thức bác bỏ, thì các số liệu đã trình bày trong báo cáo tài chính năm 2019 của Bibica sẽ bị “đảo lộn”.
Khi đó, Bibica sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính và khoản tiền gần 6 tỷ đồng đã được ghi nhận vào các khoản phải thu sẽ phải đưa vào chi phí trong năm 2019. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng bị giảm một số tiền tương ứng, tức chỉ còn 89,4 tỷ đồng. Trong trường hợp này, lợi nhuận sau thuế của Bibica sẽ giảm 18,4%, chứ không phải chỉ giảm 12,86% như số liệu được trình bày trong báo cáo tài chính năm 2019.