Bìa kẹp hồ sơ Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đã nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Bìa kẹp hồ sơ của Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ.

Bìa kẹp hồ sơ của Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.

Riêng Ấn Độ bị yêu cầu điều tra thêm chống trợ cấp.

Dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, trị giá xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam vào Mỹ tăng hơn 5 lần, từ 6 triệu USD năm 2019 lên gần 31 triệu USD năm 2021.

Quy định pháp luật điều tra của Mỹ nêu rõ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ quyết định khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị (dự kiến vào ngày 1/11/2022).

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm liên quan chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Mỹ

Đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ. Cũng như phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc để tránh những rủi ro không đáng có.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV), là các công cụ chính sách thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Các công cụ chính sách thương mại này cũng được thừa nhận trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực được các quốc gia trên thế giới ký kết.

Theo đó, các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm các cam kết trong WTO hoặc trong các hiệp định thương mại tự do, nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công thương cho biết, Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê của WTO, tính đến hết tháng 6 năm 2021, Mỹ đã điều tra tổng cộng 1.137 vụ việc và áp dụng 774 biện pháp phòng vệ thương mại. Mỹ đã điều tra 41 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tin bài liên quan