Bị khách hàng tố vi phạm hợp đồng
Như Đầu tư Bất động sản đã đưa tin, CTCP Đầu tư điện lực Hà Nội, chủ đầu tư Dự án Hei Tower tại địa chỉ Số 1 Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội bị một nhóm khách hàng khiếu nại vi phạm hợp đồng mua bán khi đơn phương chuyển đổi công năng 3 sàn văn phòng sang căn hộ thương mại để bán.
Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi các tầng 3, 4, 5 với diện tích 4.500 m2 được thiết kế làm văn phòng sang 61 căn hộ thương mại và rao bán ra thị trường khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Hơn nữa, việc chuyển đổi công năng mới chỉ được TP. Hà Nội đồng ý về mặt chủ trương, chưa có văn bản cho chuyển đổi chính thức, nhưng chủ đầu tư đã quảng cáo, bán căn hộ trên thị trường. Hành động này của chủ đầu tư, theo nhóm khách hàng, không chỉ phạm hợp đồng mua bán, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà, mà còn làm tăng mật độ dân cư tòa nhà, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông khu vực vốn đã rất hạn chế.
Vì vậy, nhóm khách hàng kiến nghị TP. Hà Nội hủy bỏ việc xem xét, phê duyệt chuyển đổi công năng các tầng 3, 4, 5 của Dự án Hei Tower và kiến nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thu hồi văn bản đề xuất phê duyệt điều chỉnh thiết kế tòa nhà.
Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hồng Kỳ, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư điện lực Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi này, chủ đầu tư đã tiến hành lấy ý kiến của 232 hộ dân, trong đó có khoảng 177 chủ căn hộ đồng ý cho phép chủ đầu tư chuyển đổi.
Mặt khác, ông Kỳ cũng cho biết, ngày 19/8 vừa qua, TP. Hà Nội đã có văn bản chính thức cho phép doanh nghiệp này chuyển đổi công năng của 3 tầng văn phòng sang căn hộ thương mại.
Mua căn hộ chuyển đổi công năng sẽ chịu rủi ro?
Ông Lê Hồng Kỳ cho biết, hiện Dự án Hei Tower vẫn còn tồn khoảng 30% số căn hộ, chủ yếu là căn góc, diện tích lớn nên khó bán. Ban đầu, doanh nghiệp có ý định chia nhỏ các căn hộ lớn, nhưng việc chia nhỏ căn hộ có thể làm tăng mật độ dân cư, nên chủ đầu tư mới chuyển sang phương án thay đổi công năng 3 sàn văn phòng.
Theo ông Kỳ, phương án này ít làm ảnh hưởng đến sinh hoạt dân cư tòa nhà, lại phù hợp với chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản của Chính phủ.
Liên quan đến việc rao bán các căn hộ khi chưa chính thức được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi công năng từ văn phòng sang căn hộ thương mại, ông Kỳ cho biết, việc rao bán hoàn toàn do các sàn giao dịch bên ngoài tiến hành, còn chủ đầu tư chưa tiến hành bán hàng, xây dựng mức giá bán, cũng như chưa lựa chọn đơn vị phân phối.
Dù Dự án Hei Tower đã được UBND TP. Hà Nội chính thức cho phép chuyển đổi công năng, đúng như lời ông Kỳ nói ở trên, thì việc chủ đầu tư chuyển đổi công năng khi chưa hoàn tất thỏa thuận với cư dân là một hành động vi phạm hợp đồng mua bán với khách hàng.
Về những rủi ro và ảnh hưởng đối với cư dân hiện tại và những khách hàng mua căn hộ chuyển đổi, trao đối với Đầu tư Bất động sản, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết, việc thay đổi công năng tại Dự án Hei Tower sẽ dẫn đến việc chủ đầu tư phải thay đổi hàng loạt thiết kế, như điện, nước, hệ thống nước thải, ống xả rác… Quá trình cải tạo này sẽ rất phức tạp và cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sinh hoạt của người dân.
Cũng theo chuyên gia này, khách hàng sẽ rất cân nhắc trong việc mua căn hộ được cải tạo từ sàn văn phòng, do những thay đổi thiết kế không phù hợp. Điều đó khiến chủ đầu tư sẽ rất khó bán các căn hộ trong diện chuyển đổi công năng.