Ông Lê Duy Minh cho biết, trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày thì buộc phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế.
Thông tin tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan này đang chịu áp lực từ Trung ương trong việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Hiện, 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin điều chỉnh kết quả. Còn lại 2 lô đất với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.
Theo ông Minh, hiện nay, Cục Thuế TP.HCM đang áp dụng các giải pháp để xử lý, tuy nhiên, ông cho rằng trong vấn đề này, Thành phố cần gặp gỡ các doanh nghiệp để đối thoại nhằm thực thi việc đấu giá. Thời gian tới, Cục Thuế cùng các đơn vị có liên quan sẽ gửi thư đôn đốc nếu việc trễ hẹn dưới 90 ngày.
Trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày thì buộc phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế.
“Nếu quá 90 ngày không thực hiện thì cơ quan Thuế sẽ có biện pháp cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án”, ông Minh nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu chính quyền thành phố phải lên tiếng trước những ý kiến trái chiều của dư luận liên quan đến cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm. |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng đến giờ này thành phố chưa đưa ra ý kiến phát biểu gì vì chờ kết luận của các bộ, ngành liên quan xem xét bản chất vấn đề là gì; chỉ đạo của Trung ương về công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Để từ đó, thành phố tổ chức bán đấu giá các quỹ đất tiếp theo trong thời gian tới trên cơ sở pháp lý, quy trình chặt chẽ.
Ông Nên cũng đề nghị UBND thành phố gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, thống nhất với các doanh nghiệp để có thông điệp rõ ràng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan phải nhìn nhận rõ trách nhiệm, phải có ý kiến chính thức về sự kiện bán đấu giá đất vừa qua.
“Hiện tại dư luận rất nhiều chiều, đã đến lúc chính quyền thành phố phải lên tiếng, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan liên quan”, ông Nên yêu cầu.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, liên quan đến việc 4 doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10/12/2021, đến nay, đã có 2 doanh nghiệp bỏ tiền cọc, đó là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh.
Hai doanh nghiệp trên lần lượt trúng đấu giá quyền sử dụng lô đất 3 - 12 và lô đất 3 - 9, đã nộp tiền đặt cọc tương ứng 600 tỷ đồng và 140 tỷ đồng. Tuy vậy, hai nhà đầu tư này đã chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.
Với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại, là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega, Cục thuế TP.HCM đã có văn bản đôn đốc nộp tiền đợt 1 vì đã trễ hạn. Hai doanh nghiệp này lần lượt trúng thầu lô đất số 3 - 5 và lô đất số 3 - 8, phải đóng tiền trúng đấu giá lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.