Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH Phát triển đầu tư và Xây dựng Đại Long (thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê diện tích 25.476 m2 đất tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh để xây dựng nhà máy gạch tuynel. Thời hạn thuê đất 50 năm, trả tiền hàng năm.
Năm 2009, Công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư là 24,9 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong 1 năm (từ tháng 9/2009-9/2010).
Năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình lập đoàn thanh tra và kết luận dự án của Công ty TNHH Phát triển đầu tư và Xây dựng Đại Long chậm tiến độ và yêu cầu Công ty làm thủ tục gia hạn sử dụng đất, nộp tiền thuê đất còn nợ. Đến ngày 29/8/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Vĩnh Ninh lập biên bản kiểm tra thực địa, Công ty chậm tiến độ thực hiện 68 tháng, chưa gia hạn tiến độ đầu tư dự án và nợ tiền thuê đất.
Vì vậy, ngày 6/9/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2687/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất trên.
Công ty TNHH Phát triển đầu tư và Xây dựng Đại Long đã làm đơn khiếu nại quyết định trên. UBND tỉnh Quảng Bình đã giải quyết khiếu nại lần đầu, song công ty không đồng ý. Công ty tiếp tục khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 878 ngày 20/3/2018 không công nhận nội dung khiếu nại của Công ty TNHH Phát triển đầu tư và Xây dựng Đại Long.
Công ty khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy Quyết định số 878 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, yêu cầu buộc UBND tỉnh Quảng Bình bồi thường số tiền 9,5 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Phát triển đầu tư và Xây dựng Đại Long, UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác mỏ sét, nhưng không bàn giao mặt bằng, nên Công ty không khai thác được, dẫn đến tiến độ xây dựng dự án nhà máy gạch bị chậm lại.
Tòa án thấy rằng, khi giải phóng mặt bằng, công ty gặp khó khăn vì một số hộ dân không đồng ý di dời. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu Công ty gia hạn tiến độ thực hiện dự án, lập hồ sơ cấp phép khai thác ở những địa điểm mới. Công ty không thực hiện để khắc phục những khó khăn trên. Do vậy, lỗi chậm thực hiện dự án thuộc về Công ty.
Do đó, cả tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty.
Còn về bồi thường, tòa án nhận định yêu cầu của công ty vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nên không xem xét.