Bộ mặt của xã nông thôn mới Đông Phương đang thay đổi từng ngày

Bộ mặt của xã nông thôn mới Đông Phương đang thay đổi từng ngày

Bí quyết thành công xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình): Khát vọng vì dân

Là một xã nghèo thuần nông, độc canh cây lúa của huyện Đông Hưng (Thái Bình), với tinh thần “nắm vững thời cơ, vượt qua thử thách, tập trung nguồn lực, xây dựng quê hương”, Đông Phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã nông thôn mới đợt 1 năm 2014.

Ấn tượng đầu tiên khi đến xã Đông Phương là chiếc cổng chào lớn trên con đường bê tông mới mịn màng chạy song song dòng sông đào trong mát dẫn vào trung tâm xã. Đường ngang ngõ dọc trong xã đều sạch sẽ, nhà xây san sát, cây cối xum xuê tỏa bóng. Hệ thống cửa hàng, đại lý với hàng hóa đủ loại, đáp ứng nhu cầu giao lưu thương mại, nâng cao cuộc sống.

Năm nay, Đông Phương đón Tết với một loạt con số đẹp như lộc biếc mùa xuân. Tăng trưởng kinh tế rõ rệt, với mức bình quân giai đoạn 2011 - 2014 là 13,8% (tăng 3,3% so với trước năm 2010). Cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến tích cực: tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 37,57%, công nghiệp - xây dựng 40,92% và dịch vụ, thương mại 21,51%. 

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Lúa giống, lúa chất lượng cao chiếm 50%, cây màu chiếm 30% diện tích. Tốc độ cơ giới hóa nhanh, 100% diện tích nông nghiệp được làm đất bằng máy, 80% gặt máy, 60% gieo sạ và cấy bằng máy, 100% chế biến nông sản bằng máy.

Trong xây dựng nông thôn mới, Đông Phương đã lập một kỳ tích khi 100% các tuyến đường được “đá hóa, bê tông hóa” với tổng chiều dài trên 40 km, trong đó có 3 tuyến trục xã 5 km,  hơn 6 km trục thôn, 16,5 km đường nhánh cấp 1, 15,3 km ngõ xóm, 9,8 km đường nội đồng và trên 9,5 m kênh mương... Tổng mức đầu tư xây dựng nông thôn mới của Đông Phương là 96,350 tỷ đồng.

Chiều chiều, sân vận động lớn nhộn nhịp hẳn lên, góc thì bóng chuyền, góc thì bóng đá, người chạy, người đánh cầu - một nét văn hóa mới đang hình thành từ nông thôn mới tại vùng đất này. Đêm đến, Đông Phương không thua kém thị thành bởi đường thôn, ngõ xóm đèn điện sáng lung linh.

Ông Hoàng Thủ Trưởng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Đông Phương cho biết, từ khi xây dựng nông thôn mới, xã Đông Phương đã quy hoạch các vùng đất cấy lúa kém hiệu quả tạo thành vùng chuyển đổi canh tác. Hiện ông Trưởng có 4 trang trại theo mô hình VAC. Năm 2014, trừ chi phí, các trang trại của ông đã đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Thấy quê hương đổi mới từ khi xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Hồng Lợi, Giám đốc Công ty TNHH May Đạt Đăng đã quyết định đầu tư xây dựng xưởng may với tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng tại Đông Phương. Xưởng may này tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 công nhân, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

“Công cuộc xây dựng nông thôn mới là môi trường ‘thử lửa’ về phẩm chất, trách nhiệm của Đảng viên, chính quyền và mỗi cán bộ xã Đông Phương. Mọi việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới tại địa phương đều được công khai, minh bạch, nên chưa hề có đơn thư khiếu nại nào”, ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương khẳng định.

Theo ông Cảnh, ngoài 4 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, UBND xã Đông Phương còn đề nghị Đảng ủy, HĐND xã tăng cường 3 cuộc kiểm tra, giám sát các lĩnh vực kinh tế, xây dựng cơ bản, đất đai... Bí quyết thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Đông Phương chính là mục tiêu “vì dân”, đáp ứng khát vọng của người nông dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã Đông Phương liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, năm  2014, Đông Phương là xã dẫn đầu huyện với 12 lá cờ đầu ở các lĩnh vực công an, quân sự, quản lý đất đai, tài chính ngân sách, thương binh - xã hội, giao thông...