Theo Yeah1, YouTube MCN chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Tập đoàn. Trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của YouTube MCN đến từ việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba (đối tác) chỉ đóng góp 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Yeah1.
Hình: Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận theo mảng của Tập đoàn Yeah1 năm 2018
Nguồn: BCTC, CTCP Tập đoàn Yeah1
Chú thích: Tỷ trọng doanh thu từng mảng nhỏ được tính bằng doanh thu của mảng đó chia cho tổng doanh thu của Tập đoàn Yeah1. Tỷ trọng lợi nhuận sau thuế của từng mảng nhỏ được tính bằng LNST của mảng đó chia cho tổng LNST của Tập đoàn Yeah1
Hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Tập đoàn Yeah1 bao gồm hai mảng chính: Mảng kinh doanh trên YouTube và xuất bản nội dung số (Yeah1 Publishing) với tổng đóng góp 55,6% doanh thu và 84,1% lợi nhuận sau thuế của cả Tập đoàn.
Phân khúc YouTube chi tiết bao gồm (1) bán hàng trực tiếp (Direct Sales) với phần lớn doanh thu đến từ đánh giá được tài trợ (trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video), hợp tác B2B trong sản xuất nội dung và (2) Mạng đa kênh YouTube (YouTube MCN) liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube.
Trong đó, YouTube MCN lại được phân thành quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý các kênh của bên thứ ba (đối tác). Mô hình hoạt động của 2 loại YouTube MCN là khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube.
Tuy nhiên, YouTube MCN phải chia sẻ đến 70-95% phần nhận được với các kênh của bên thứ ba/đối tác trong khi được giữ lại 100% phần nhận được từ YouTube với các kênh tự sở hữu.
Chính vì vậy, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần (biên lợi nhuận 50-70%) so với quản lý các kênh của đối tác (trung bình chỉ khoảng 8%).
Việc YouTube có thể chấm dứt thỏa thuận Lưu trữ nội dung (CHSA) sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu.
Năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỷ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba. Lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba là khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Yeah1.
Trước những thông tin trái chiều nghi ngờ về nội dung có hại cho trẻ em, điển hình là “Momo challenge” trong hệ thống kênh là nguyên nhân cho những sự cố vận hành YouTube, Yeah1 khẳng định luôn định hướng tuân thủ các quy định về nội dung của YouTube và không chấp nhận những nội dung có hại cho cộng đồng trong hệ thống.
Những nội dung có hại cho cộng đồng đó là: Nội dung gây hại cho trẻ em, ví dụ điển hình như Momo Challenge; Nội dung không tuân thủ pháp luật Việt Nam; Nội dung không tuân thủ chính sách của YouTube.
Hiện tại, Tập đoàn đã xây dựng hệ thống và đội ngũ nhân sự, kĩ thuật để quét và sàng lọc những video được tải lên hệ thống hàng ngày, đảm bảo những nội dung này an toàn và tuân thủ những chính sách trên. Những nội dung vi phạm sẽ ngay lập tức được báo cáo lại cho YouTube và xử lí theo qui định.
Bên cạnh đó, Yeah1 đã và đang hợp tác với các Tập đoàn sản xuất nội dung cao cấp trên thế giới như Nickelodeon, TVB, Universal Music Group... để phát hành các nội dung lành mạnh và chất lượng tốt trên hệ thống YouTube của mình cho khán giả Việt Nam và trên toàn thế giới.
Trong việc quản lí kênh, Yeah 1 đã rà soát và làm rõ với YouTube về hoạt động quản lí kênh của 2 công ty con trực tiếp là Yeah1 Network và ScaleLab hiện tại vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của họ.
Về những vi phạm trong việc quản lí kênh xảy ra tại Springme LLC (khoản đầu tư tài chính, Yeah1 sở hữu 16,93% ), Yeah1 làm việc để hai bên nắm được chính xác vấn đề, làm cơ sở cho những lần trao đổi tiếp theo.