Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 1: “Cứu người như cứu hỏa”, nhưng vẫn phải chờ thuốc

0:00 / 0:00
0:00
Vướng víu cơ chế, doanh nghiệp không mặn mà đấu thầu cung cấp thuốc cho các trung tâm y tế khiến người bệnh phải chạy lên nhờ cậy bệnh viện lớn “cứu mạng”.
Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang trong tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang trong tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Oái oăm thay, cùng lý do này, các bệnh viện lớn cũng thiếu thuốc trầm trọng đến mức phải dừng hoặc thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Y tế cơ sở thiếu thuốc, dân phải “gửi mạng” bệnh viện lớn

PGS-TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa phải ký văn bản gửi UBND TP.HCM “kêu cứu” về tình cảnh mà ngành y đang gặp phải, từ cấp cơ sở là trạm y tế phường/xã cho tới các bệnh viện lớn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, cuối tháng 8/2022, Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM) và các dược sĩ tại TP.HCM đã thực hiện khảo sát nhanh 36 người dân đang chờ khám tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn Thành phố để nhận thuốc điều trị tại nhà đối với các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường…

Khảo sát này nhằm đánh giá nhu cầu thực tế của người dân đối với hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố và làm cơ sở để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nhất là chăm sóc sức khỏe đối với nhóm nguy cơ (người cao tuổi, mắc bệnh nền).

Theo Sở Y tế TP.HCM, công tác dự báo nhu cầu thuốc, vắc-xin cho khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, nhiều thời điểm bị gián đoạn trong cung ứng thuốc. Dịch sốt xuất huyết đầu năm 2022 cũng hết sức phức tạp, nhu cầu về dịch truyền, dung dịch cao phân tử... tăng cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cung ứng.

Tình hình cung cấp thuốc tại tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế gặp nhiều khó khăn do mua sắm riêng lẻ với số lượng ít, nên không nhiều nhà thầu quan tâm. Các loại thuốc chậm được gia hạn số đăng ký, tình hình xung đột trên thế giới... cũng ảnh hưởng đến việc cung ứng thuôc, nhất là những loại thuốc nhập khẩu.

Kết quả, có đến 80% người dân trả lời sẵn sàng đến trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện nếu các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như bệnh viện. Nhưng thực tế thì ngược lại, nên người bệnh buộc phải chạy lên bệnh viện lớn nhờ “cứu mạng”, gây quá tải cho các bệnh viện này.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có 2 lý do chính dẫn đến thực trạng trên.

Một là, hiện nay, hầu hết thuốc sử dụng tại trạm y tế phường, xã do trung tâm y tế hoặc bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thực hiện đấu thầu mua sắm đối với 324 hoạt chất được Bộ Y tế quy định thuộc danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả (tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT).

Tuy nhiên, do nhân lực của trung tâm y tế thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, cộng với nhu cầu sử dụng thuốc của trung tâm y tế rất thấp, nên có rất ít nhà thầu tham gia cung ứng.

Hai là, danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó, có khoảng 50 loại thuốc cho các bệnh mạn tính không lây nhiễm. So với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện, thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại, trong đó có 41 loại thuốc được Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế TP.HCM đánh giá là rất cần thiết.

Trong khi đó, Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 và Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế đã nêu rõ, việc bổ sung, mở rộng danh mục thuốc và đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho trạm y tế là vấn đề rất cấp thiết.

Đổi phác đồ vì “đói thuốc”

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tuyến cuối trong khám, chữa bệnh về ung thư của TP.HCM cũng như khu vực phía Nam.

Báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, đại diện Bệnh viện cho hay, hiện số bệnh nhân đến khám đã tăng trở lại, khoảng hơn 3.700 lượt mỗi ngày, tăng gần 2% so với trước khi có dịch Covid-19. Số bệnh nhân nhập viện cũng tăng; các hoạt động phẫu thuật, hóa trị, xạ trị trở lại bình thường và tăng nhẹ so với trước dịch.

Với đặc thù chữa trị ung thư, phần lớn thuốc dùng chuyên khoa ung bướu là thuốc nhập khẩu, rất ít thuốc được sản xuất trong nước. Bệnh viện phải gửi dự trù hằng năm cho công ty nhập khẩu, song vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng không có thuốc cung ứng.

Trước tình cảnh này, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã tổ chức đấu thầu một số thuốc, nhưng không có nhà thầu tham dự hoặc không lựa chọn được nhà thầu, dẫn đến một số mặt hàng thuốc phải đấu thầu rất nhiều lần.

TS, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thẳng thắn thừa nhận, việc thiếu thuốc của Bệnh viện Ung bướu đã trong tình trạng báo động, đặc biệt là nguy cơ thiếu hóa chất giải phẫu bệnh. “Nếu không mua được hóa chất sớm, thì khoảng một tháng nữa, Bệnh viện sẽ không có kết quả giải phẫu bệnh, không điều trị được cho bệnh nhân”, bác sĩ Dũng nói.

Không riêng Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng trong tình cảnh tương tự. ThS. Tôn Văn Tài, Trưởng đơn vị Đấu thầu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho hay, bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên quá nhiều, trong khi bệnh viện này không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, thuốc điều trị chuyên sâu, mà có thời điểm còn thiếu cả thuốc phổ biến.

Còn với Bệnh viện quận 11, dù đã chọn được đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc, nhưng khi Bệnh viện đặt hàng, họ lại báo không có hàng cung ứng, buộc Bệnh viện phải xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung. Đại diện Bệnh viện quận 11 cho biết, Bệnh viện thực hiện tổng cộng 32 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu mua sắm bổ sung. Trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu, Bệnh viện bị thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm các loại thuốc được quy định hình thức mua sắm tập trung. “Cứu người như cứu hỏa”, nhưng vẫn phải chờ thuốc, nếu cố mua, thì cũng sẽ vướng mắc ở khâu duyệt thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

“Điên đầu” vì đấu thầu thuốc

Ngoại trừ thiếu thuốc tạm thời do lượng bệnh nhân tăng đột biến, cung ứng đứt gãy…, thì sự vướng víu trong công tác đầu thầu là nguyên nhân chủ yếu và đáng báo động.

Theo phân tích của đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị gặp khó khăn do nhiều mặt hàng chưa được phân loại, phân nhóm vật tư y tế. Điển hình, với hóa chất trong phòng xét nghiệm, nhà thầu cho rằng, đó không phải vật tư y tế do không dùng trên người, nên không phân nhóm sản phẩm, không kê khai giá. Trong khi đó, bệnh viện không dám mua, bởi hóa chất gián tiếp dùng cho người, nhưng không trong danh mục phân loại nhóm nên không có giấy lưu hành y tế, không mua theo vật tư y tế. Nếu mua, khi cơ quan chức năng thanh, kiểm tra là… “chết”.

Trong khi đó, với hóa chất xét nghiệm đặc thù, bệnh viện không thể tìm được 3 báo giá theo quy định đấu thầu, vì hóa chất xét nghiệm đặc thù của hãng nào sản xuất thì chỉ chạy được duy nhất trên máy của chính hãng đó.

Với thuốc chữa bệnh khác, theo các bệnh viện, khó khăn nhất là giai đoạn xây dựng giá dự toán. Có những mặt hàng trong thời điểm đánh giá hồ sơ thầu vẫn còn lưu hành, nhưng khi dự thầu thì đã hết hạn, không thể mua được. Đó là chưa kể, hiện vẫn chưa có quy định cập nhật giá thị trường, trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung giá mà Bộ Y tế quy định.

Ông Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 chia sẻ, liên quan đến đấu thầu có rất nhiều văn bản hướng dẫn. Bệnh viện “rất mệt” khi triển khai, nhưng không thể tự mua thuốc được. Trong tổng số thuốc cung cấp cho Bệnh viện, 20% là thuốc qua đấu thầu tập trung quốc gia, Bệnh viện phải mua, không có quyền chọn; 80% còn lại, Bệnh viện tiến hành đấu thầu, nhưng trong số này chỉ lựa chọn được khoảng 60% trong mỗi đợt đấu thầu.

Theo đại diện các bệnh viện, Luật Đấu thầu áp dụng chung cho nhiều ngành, song đấu thầu thuốc cho bệnh viện là hoạt động rất đặc thù, bởi vậy, cần cho phép các cơ sở y tế lựa chọn giá thuốc, vật tư y tế “hợp lý nhất” chứ không phải là “giá thấp nhất” như quy định hiện nay.

Đối thoại để tìm cách tháo gỡ vướng mắc đấu thầu cung ứng thuốc

Ngày 8/9/2022, Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ, đối thoại với Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, lãnh đạo 25 doanh nghiệp cung ứng thuốc và 33 đơn vị y tế công lập trên địa bàn Thành phố.

Tại cuộc đối thoại, một số doanh nghiệp dược “kêu” gặp nhiều khó khăn, trong đó, có bất cập trong quy định, hướng dẫn về công tác đấu thầu và thanh quyết toán tiền thuốc của các bên liên quan. Nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất, gây khó khăn cho các nhà thầu trong thực hiện các thủ tục đáp ứng theo yêu cầu (như các điều khoản trong hợp đồng và thương thảo hợp đồng mua bán, việc thực hiện thủ tục thanh quyết toán, yêu cầu về mốc thời gian thanh quyết toán, điều kiện về hạn dùng thuốc, điều kiện về chênh lệch giá thuốc…).

Bên cạnh đó, việc xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu khiến giá thuốc bị đóng khung qua nhiều năm. Trong khi đó, thị trường đang biến động rất lớn về giá nguyên liệu đầu vào, giá các dịch vụ bổ trợ cho sản xuất, vận hành… có khuynh hướng tăng.Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sẽ thành lập Tổ Tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc. Thành viên của Tổ sẽ gồm đại diện Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, đại diện cơ sở khám, chữa bệnh và đại diện các doanh nghiệp dược.

Tin bài liên quan