Phối cảnh chung cư Geleximco Southern Star 897 Giải Phóng

Phối cảnh chung cư Geleximco Southern Star 897 Giải Phóng

Bị “khủng bố” telesales, cư dân Geleximco 897 Giải Phóng nghi bị bán thông tin khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt cư dân chung cư Geleximco Southern Star ở 897 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh mỗi ngày nhận được hàng chục cuộc điện thoại mời lắp đặt nội thất, làm rèm cửa, hỏi thuê căn hộ… sau khi dọn về đây.

Chóng mặt vì telesales

Trong đơn thư gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Hưng và một số cư dân toà nhà Geleximco Southern Star ở 897 Giải Phóng cho biết, từ lúc chuẩn bị nhận nhà và sau khi dọn về nhà mới, những cư dân này đã bị lực lượng telesales (nhân viên tiếp thị qua điện thoại) quấy rối, làm phiền.

Mở điện thoại di động của mình, anh Hưng chỉ cho phóng viên xem hàng loạt số điện thoại không có trong danh bạ được gọi dồn dập với tần suất khoảng 30 phút đến một tiếng/cuộc. Đáng lưu ý, điểm chung của các cuộc gọi là người gọi đều biết anh có căn hộ Geleximco nên họ hỏi ngay: "Anh đã thuê thiết kế căn hộ Geleximco chưa?”, “Anh đã làm rèm căn hộ Geleximco chưa?", “Anh có nhu cầu bán/cho thuê căn hộ Geleximco không?”…

Một trong những cuộc gọi đó đã được anh Hưng ghi âm lại và chuyển cho PV nghe. Mở đầu cuộc gọi, một giọng phụ nữ trẻ đặt câu hỏi: “Căn hộ bên 897 Giải Phóng anh có cho thuê không?”. Khi anh Hưng hỏi: “Ai cho bạn thông tin để gọi?” thì người phụ nữ ấp úng trả lời là “chủ đầu tư”. Nhưng khi bị vặn hỏi “Chủ đầu tư cụ thể là ai cho bạn thông tin?” thì người này nói rằng “Em không biết, em chỉ là nhân viên gọi”, sau đó dập máy.

Những số điện thoại quấy rối anh Hưng gần đây (Ảnh: NVCC)
Những số điện thoại quấy rối anh Hưng gần đây (Ảnh: NVCC)

“Một vài cuộc đầu thì mình cũng từ chối lịch sự, về sau họ gọi liên tục hết người này đến người khác, gọi cả lúc tôi đang họp hoặc nghỉ trưa nên tôi dập máy luôn vì không thể kiên nhẫn được nữa. Nói chung là hết sức phiền toái”, anh Hưng bức xúc nói.

Chị Minh Thuỳ, một cư dân khác phản ánh, hàng ngày chị cũng bị đội quân này “khủng bố”: “Chị ơi em bên sale, chị có căn hộ Geleximco cho thuê hay bán không?”, “Chị ơi em bên nhà mạng, chị có căn hộ Geleximco đúng không?”, “Em bên thiết kế, chị đã thuê thiết kế căn hộ ở Giải Phóng chưa?”…

Không nghe thì sợ điện thoại công việc, nên chị Thuỳ và một số cư dân xung quanh đã bảo nhau là thống nhất trả lời “Anh/chị không có căn chung cư đó, em nhầm rồi”, với hy vọng họ sẽ tin là nhầm và không gọi nữa.

Chưa hết, nhóm cư dân này còn cho biết, hiện tại trên mạng xuất hiện hàng loạt lời rao bán thông tin của họ, kiểu như: “Data mới lại về tháng 7/2022. Cập nhật data chủ hộ điện lực 10 quận nội thành Hà Nội mới nhất 2022”, “Data dự án Geleximco 897 Giải Phóng đang bàn giao. Full mới. Anh/chị quan tâm inbox em luôn nhé”…

“Như vậy là có người đã bán thông tin của chúng tôi, rồi người mua lại bán cho những người mua khác. Người tốt lẫn kẻ xấu đang nắm giữ thông tin của chúng tôi”, hàng loạt cư dân toà nhà này tỏ ra lo lắng.

Theo những cư dân này, toà nhà Geleximco Southern Star 897 Giải Phóng mới hoàn thiện và đang trong quá trình bàn giao nên chưa có ban quản lý chính thức. Ban quản lý hiện tại do bên bán nhà tạm dựng lên. Khi họ phản ánh vấn đề này trong nhóm chat Zalo chung thì được ông Kiên, Trưởng ban quản lý toà nhà giải thích, việc lộ data khách hàng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như đơn vị lắp đặt mạng Internet, truyền hình hình cáp…

"Hiện nay, việc lắp đặt mạng và truyền hình cáp đã được triển khai khắp toà nhà nên rất có thể họ đã bán thông tin khách hàng cho các bên bất động sản, nội thất… Thực sự cái này rất khó để kiểm soát. Mong cư dân chủ động trong việc xử lý như chặn số, dập máy”, vị đại diện Ban quản lý đưa ra giải pháp.

Sử dụng trái phép thông tin đời tư cá nhân là phạm pháp

Theo chủ đầu tư là Tập đoàn Geleximco (có địa chỉ tại 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội), dự án thương mại Geleximco Southern Star 897 Giải Phóng có hình thức là Khu chức năng hỗn hợp trung tâm thương mại kết hợp nhà ở tại phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội. Đơn vị thi công dự án là Tập đoàn Hòa Bình. Đơn vị giám sát là Coninco.

Dự án có diện tích 9.390 m2 với quy mô 1 tòa tháp 25 tầng, 3 tầng hầm, tổng 360 căn hộ diện tích từ 60 - 92m2. Dự án này mới bắt đầu bàn giao từ quý II/2022.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Xuân Quang, Trưởng ban Truyền thông của Tập đoàn Geleximco nhận định, việc các telesales làm phiền, quấy rối khách hàng là câu chuyện phổ biến mà nhiều người dân đang phải chịu đựng. Về vấn đề chủ đầu tư tòa nhà Geleximco Southern Star có cung cấp thông tin khách hàng cho môi giới bất động sản không, ông Quang khẳng định không có chuyện đó.

“Chủ đầu tư không làm việc đó. Hơn nữa, chúng tôi không bán trực tiếp căn hộ cho khách hàng mà bán qua trung gian là các sàn giao dịch bất động sản, nên không trực tiếp sở hữu hồ sơ khách hàng”, ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên, trước việc hàng loạt cư dân toà nhà nói trên bị làm phiền qua điện thoại, Trưởng ban Truyền thông của Tập đoàn Geleximco cho biết sẽ ghi nhận thông tin và tiến hành kiểm tra vụ việc.

Dưới góc độ luật pháp, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật khẳng định, đời tư và bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và là bất khả xâm phạm.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người cũng có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định, hành vi mua bán thông tin cá nhân của người khác có thể phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 và Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/2/2020 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, hành vi thu thập, mua bán, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin của người khác có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 70 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

“Cơ quan an ninh sẽ điều tra làm rõ khi có đơn tố giác về việc này”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Nghị định 91/2020/NĐ-CP “mạnh tay” xử lý tin nhắn và cuộc gọi rác

Các hình thức gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được sự đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Đối với trường hợp nhắn tin nhắn, thư điện tử rác, hay thực hiện cuộc gọi rác vào những thuê bao đã đăng ký từ chối tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, nhà quảng cáo sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng, đồng thời thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm. Còn đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

Cuộc gọi quảng cáo trước 8 giờ sáng và sau 17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Mức xử phạt tương tự cho các hành vi nhà quảng cáo thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ khi chưa được phép.

Tin bài liên quan