Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai
Ngày 28/2/2020, Bộ Tài chính đã gửi công văn số 2137/BTC-CST xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân liên quan về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng từ 9 triệu đồng hiện tại, đồng thời giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng từ mức 3,6 triệu đồng/tháng hiện tại.
Ngay sau khi nội dung sửa đổi trên được công khai đã thu hút sự quan tâm của rộng rãi người dân. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như trên là chưa sát với thực tiễn trượt giá, cũng như thu nhập của người dân. Mức điều chỉnh này chưa chia sẻ khó khăn với cuộc sống của người nộp thuế trong bối cảnh thu nhập tăng chậm so với tốc độ tăng nhanh của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Vấn đề trên một lẫn nữa được báo giới đặt ra cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra chiều tối nay (ngày 3/3).
Mức giảm trừ trên có lạc hậu, chưa chia sẻ thỏa đáng với khó khăn của người dân? Bà Mai không trả lời trực diện vào thắc mắc này của báo giới, mà cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12): Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Trong khi đó, bà Mai cho hay, theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với ngày 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Căn cứ quy định của Luật số 26/2012/QH13, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân…
Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho rằng, với mức giảm trừ này góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Đối với ngân sách nhà nước, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, thì số thu về thuế thu nhập cá nhân 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2019).
Liên quan đến thời điểm áp dụng, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, thì thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch). Do vậy trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) sẽ được xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.