Bị kêu có chuyện khó dễ, ngân hàng phản bác bằng con số

Bị kêu có chuyện khó dễ, ngân hàng phản bác bằng con số

(ĐTCK) Việc giảm lãi suất, mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) có năng lực tài chính khác nhau sẽ ứng xử với doanh nghiệp cũng khác nhau, nhưng quyết tâm rất cao của toàn hệ thống là chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chủ trì, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, mức ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với Ngân hàng là rất lớn. Hiện nay, theo đánh giá sơ bộ, VPBank có hơn 80.000 khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, 1/3 dư nợ tín dụng nằm trong danh mục của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. 

“Đặc biệt, có những nhóm khách hàng như người tiêu dùng với khoản vay nhỏ bị thất nghiệp hoặc do giãn cách xã hội bị ảnh hưởng. Có gần 150.000 khách hàng là hộ kinh doanh có các khoản vay trung bình từ 50 - 200 triệu đồng, 60% thống kê ở một số tỉnh lớn đang dừng hoạt động kể cả các ngành bình thường. Trường hợp nếu dịch tiếp tục kéo dài và giãn cách xã hội mà không được nới lỏng thì ảnh hưởng sẽ rất mạnh thời gian tới”, ông Vinh nói.

Trước tinh thần đó, Ban lãnh đạo VPBank đã áp dụng hàng loạt biện pháp, trong đó có phương án dự phòng thanh khoản đặc biệt, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đội, thậm chí 50% lực lượng kinh doanh của Ngân hàng chuyển sang quản lý nợ, thu hồi, cấu trúc nợ vì số lượng rất nhiều.

Bị kêu có chuyện khó dễ, ngân hàng phản bác bằng con số ảnh 1

VPBank hiện có hơn 80.000 khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, 1/3 dư nợ tín dụng nằm trong danh mục của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. 

“Tính đến ngày 21/4, Ngân hàng đã xử lý tham gia cấu trúc nợ và giãn nợ hơn 6.000 khách hàng, trong đó hạ lãi suất hơn 2.000 khách hàng và bắt đầu hạ cho các chu kỳ mới từ 3 đến 6 tháng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với hơn 5.000 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản như cấu trúc nợ, hỗ trợ lãi suất, cho vay hiện khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng dự kiến sẽ tăng rất nhanh. Hiện tại số lượng hồ sơ đang cấu trúc nợ, nằm chờ, đang giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 10.000 khách hàng với chục nghìn khoản vay”, ông Vinh thông tin.

Tại VIB, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc cho biết, tính đến nay đã có 2.800 khách hàng với 2.400 tỷ đồng dư nợ được giảm lãi. Toàn bộ chương trình đã ban hành cho các khoản vay hiện hữu, sẽ có 8.300 khách hàng với tổng dư nợ là 5.500 tỷ đồng được giảm lãi tiếp.

Tổng khách hàng được cơ cấu lại nợ là 700 khách hàng với tổng dư nợ là 600 tỷ đồng. VIB đang nhận được rất nhiều các kiến nghị và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng, dư nợ 6.600 tỷ đồng trong 4 tuần tới đây.

Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất, mỗi TCTD có năng lực tài chính khác nhau sẽ ứng xử với doanh nghiệp cũng khác nhau nhưng quyết tâm rất cao của toàn hệ thống là chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Vietcombank chia sẻ khó khăn thông qua hình thức giảm lãi suất với doanh nghiệp theo từng ngày với tổng mức là 2.240 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6 đạt được 70% con số này và 30/9 hoàn thành.

“Chúng tôi đã giảm lãi suất trên toàn hệ thống và giảm đồng loạt”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho biết thêm, vừa qua cũng có một số doanh nghiệp có ý kiến phán ánh nhưng qua rà soát thực tế doanh nghiệp tốt không có ý kiến, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, hay có ý kiến kêu ca là những doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có... 

“Những doanh nghiệp như vậy, chúng tôi phải bám sát để giải thích và thông tin về các hiệp hội, tổ chức, báo cáo NHNN để chủ động trong vấn đề truyền thông. Các ngân hàng chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng được trong môi trường hiện nay bởi sẽ để lại nhiều rủi ro về sau”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank nói: “Với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn phát triển. Chúng ta không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng, vì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này”.

Bị kêu có chuyện khó dễ, ngân hàng phản bác bằng con số ảnh 2

Các ngân hàng tăng số hóa để phục vụ khách hàng.

Ông Thọ cũng đồng thời thông tin thêm, VietinBank đã đưa ra mức công bố giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng là trách nhiệm đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể: điện, lương, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ…; các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với VietinBank, các doanh nghiệp cung ứng, cung cấp các dịch vụ về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

“Đó là các đối tượng VietinBank xác định rõ và chỉ đạo rất nghiêm túc đến các chi nhánh, những trường hợp đó có thể giảm từ 2 - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của VietinBank. Đối với các đối tượng còn lại, VietinBank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của DN đó để giảm từ 0,5 - 1,5%/năm. Với con số tính toán, mức giảm lãi suất giảm phí như thế thì dự kiện lợi nhuận giảm từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu năm”.    

Còn ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, kết thúc quý I/2020, Ngân hàng cho vay được 518.668 hộ, doanh số 18.825 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/3 211.522 tỷ đồng với 6.516.442 hộ đang vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng quý I/2020 là 1,9%.

Ngân hàng đã và đang thiết lập 10.483 điểm giao dịch xã, 17.5307 tổ tiết kiệm rải khắp phường, xã, bản, làng toàn quốc để hỗ trợ người dân. Ngân hàng đã thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 102,903 hộ với số tiền 2815 tỷ đồng.

Tin bài liên quan