Bị “cắt” một tuần, doanh nghiệp thủy sản sốt ruột đòi tiếp tục vay ngoại tệ

Sau một tuần chính thức bị "cắt" vay ngoại tệ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là đối tượng đầu tiên lên tiếng than khó, đồng thời kiến nghị NHNN cần tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ ngắn hạn phục vụ sản xuất, xuất khẩu. 
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Như Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã đưa tin, kể từ ngày 1/4/2016 vừa qua, việc cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đã chính thức bị khép lại (quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN).

Sau gần 1 tuần quy định trên có hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản đã chính thức lên tiếng.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), việc gia hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ đến hết quý I/2016 rất ngắn ngủi và khiến DN xuất khẩu gặp khó khăn. Sau khi nhận được liên tiếp kiến nghị của các DN hội viên về vấn đề này, ngày 5/4/2016, VASEP đã gửi Công văn số 48/2016/CV-VASEP tới NHNN kiến nghị xem xét sửa Điểm c, Khoản 1, Điều 3 TT24 để DN XK thủy sản có thêm cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, XK.

"Đến giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi" - ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.

Có bốn lý do Vasep đưa ra để kiến nghị Thống đốc NHNN sửa đổi quy định trên.  

Thứ nhất, hiện nay, Nhà nước đã và đang có chủ trương khuyến khích các DN sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, gia tăng XK nhưng kể từ tháng 4/2016, DN XK mang lại ngoại tệ nhưng không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm mà quay trở lại chủ yếu vay vốn bằng VNĐ với lãi suất cao hơn từ 6,0-6,5%/năm. Điều này không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các DN mà đồng thời tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.

Thứ hai, năm 2016, ngành nông lâm thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với việc sức cạnh tranh bị giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2015 đạt 30 tỷ USD, giảm mạnh so với năm 2014. Tính riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt khoảng 6,7 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm 2014 - điều chưa từng diễn ra trong những năm trước đây. Năm 2015, nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đã phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và vòng xoáy giảm giá xuất khẩu đã khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.

Do đó, nếu DN Việt Nam phải vay tiền đồng cho các nhu cầu ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, mà việc chênh lệch đáng kể lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng sẽ càng đẩy giá thành khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cao hơn, tác động trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng thủy sản nói riêng.

Hơn nữa, hiện nay, đa phần các DN Việt Nam tham gia vào sản xuất xuất khẩu  là các DN vừa và nhỏ, đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2015 do đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Các DN này chưa thể kịp cơ cấu sắp xếp được nguồn vốn khả dĩ cho các phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu năm 2016. Với quy định chỉ cho vay đến 31/3/2016, các DN đang phải chuyển sang vay nguồn ngắn hạn bằng tiền đồng lãi suất cao hơn nên càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Thứ ba, theo Vasep, bối cảnh của Quý 1/2016 cho thấy xu hướng tỷ giá đã ổn định dần. Do đó, việc cho phép các DN XK được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ trong 2016 cũng sẽ không làm gia tăng các tác động tiêu cực bởi việc kém ổn định của tỷ giá. 

Với những lý do đó, cộng đồng DN thủy sản kiến nghị NHNN Việt Nam xem xét sửa đổi Thông tư 24 để các DN xuất khẩu nói chung và DN xuất khẩu  thủy sản nói riêng được có cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu .

Trước đó, trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng cho hay, trước đây, NHNN cho phép TCTD xem xét cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn ngắn hạn xuất khẩu là nhằm giúp doanh nghiêp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, kinh tế trong nước đã từng bước hồi phục. Vì vậy, để hỗ trợ ổn định tỉ giá, thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, các hoạt động cho vay ngoại tệ cần được hạn chế từng bước, phù hợp với định hướng chuyển dần quan hệ huy động, cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ, nhằm ổn định thị trường.

NHNN khẳng định, đối tượng bị dừng cho vay ngoại tệ từ 1/4 là những doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoaị tệ để thanh toán mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước, mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.

“Trước đây có quy định cho vay ngoại tệ là vì trong giai đoạn trước khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì NHNN quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ qua đó họ sẽ được hưởng mức lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ sau đó họ bán lại cho ngân hàng cho vay để lấy tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi”, ông Bùi Quốc Dũng nói.

Tin bài liên quan