Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba bị tuyên mức án chung thân

0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Alibaba) mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba bị tuyên mức án phạt chung thân

Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba bị tuyên mức án phạt chung thân

Hành vi của bị cáo Luyện là đặc biệt nguy hiểm

Sau 3 tuần xét xử, ngày 29/12/2022, TAND TP.HCM tuyên án vụ án Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.

Trong phần tuyên án, HĐXX xác định hành vi của Nguyễn Thái Luyện là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Trong 3 năm, bị cáo đã điều hành Công ty Alibaba triển khai bán đất nền của 58 dự án, chiếm đoạt hơn 2.446 tỷ đồng từ hơn 4.500 khách hàng.

Xét số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại đặc biệt lớn, mặt khác còn phá vỡ kế hoạch quản lý sử dụng đất của nhà nước, HĐXX nhận thấy cần có bản án thật nghiêm khắc nên quyết định tuyên phạt bị cáo Luyện mức án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày 18/9/2019.

Theo HĐXX, toàn bộ đất bị cáo chào bán đều không phải đất nền mà là đất nông nghiệp. Để chào bán sản phẩm không có thật, ngoài gian dối về quy mô và khả năng tài chính của công ty (từ năm 2016-2017 tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng), Luyện còn dùng thủ đoạn đặt tên dự án bằng các mỹ từ như: Ali Aqua Nhơn Trạch – đẳng cấp Nhật Bản giữa lòng TP sân bay; Alibaba Thắng Hải City- Đảo quốc sư tử nghỉ dưỡng tại bình thuận; Ali Aqua Xuân Lộc - Khu đô thị tại Pháp thu nhỏ; Siêu dự án khu đô thị sinh thái thu nhỏ Ali Venus…

Bên cạnh đó, Luyện còn cho khách hàng các phương thức thanh toán lý linh hoạt, thậm chí có quyền chọn trả góp mỗi tháng từ 1-5 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo nhằm để khách hàng tin tưởng sẽ có thể an cư tại những khu dự án đáng mơ ước.

HĐXX kết luận các bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối để thu tiền của khách hàng. HĐXX không chấp nhận quan điểm đổi tội danh từ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" sang "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" như các luật sư bào chữa đã trình bày trước đó.

HĐXX xác định Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó Luyện là chủ mưu.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Về tội "Rửa tiền", HĐXX xác định bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) là chủ mưu. Tổng số tiền của hành vi rửa tiền là hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Mai sử dụng hơn 1 tỷ đồng để tất toán hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dùng 12 tỷ đồng còn lại bị cáo sử dụng mục đích cá nhân. Xét số tiền trên có nguồn gốc bất hợp pháp nên buộc ngân hàng và bị cáo Mai phải nộp lại trong vụ án.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) bị tuyên phạt về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Mai lĩnh án 30 năm tù, bị cáo Lĩnh bị xử phạt 27 năm tù.

Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “rửa tiền”. Tuy nhiên, bị cáo Thắng hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư tuyến giáp, mắt trái bệnh bẩm sinh đeo mắt giả, không cần thiết phải chấp hành hình phạt tù mà cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm từ ngày tuyên án.

Trong thời gian thử thách, bị cáo sẽ bị UBND phường nơi cư trú giám sát, nếu bị cáo Thắng cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định 2 lần trở lên sẽ bị buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Không chấp nhận bị cáo là bị hại

Về việc các luật sư đề nghị xác định bị cáo đồng thời là bị hại, HĐXX nhận định, do quá trình điều tra, phần lớn các bị cáo không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ tại phiên tòa, không cung cấp được hợp đồng, phiếu thu nên không có cơ sở xem xét giải quyết.

Do đó, các bị cáo cũng như các khách hàng đã tham gia mua đất nền dự án của công ty Alibaba đã được xác định là bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này nếu có yêu cầu có thể khởi kiện vụ án bằng một vụ án dân sự.

Một số người có mặt trong ngày tuyên án

Một số người có mặt trong ngày tuyên án

Quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM và VKS xác định vụ án có 4.560 bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 2.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá trình điều tra các bị hại không cung cấp địa chỉ, hoặc cung cấp không rõ ràng, thay đổi chỗ ở nên tại quyết định đưa vụ án ra xét xử có 3.980 bị hại có đủ thông tin để tòa án thông báo, triệu tập tham gia phiên tòa.

HĐXX cũng đăng thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian xử án để bị hại biết tham gia phiên toà, bổ sung thông tin. Kết quả sau đó nhiều người đem tài liệu chứng minh là bị hại, VKS đã xác định số lượng bị hại của vụ án là 4.548 bị hại với tổng số tiền hơn 2.446 tỷ đồng.

Về số tiền chiếm đoạt chênh lệch với số tiền bị hại, VKS nêu quan điểm do số lượng bị hại quá đông dẫn tới có sai sót về mặt toán học nhưng không làm thay đổi tội danh và điều khoản truy tố, các bị cáo cũng không có ý kiến về nội dung này.

HĐXX nhận định số lượng bị hại và số tiền chiếm đoạt trên bản luận tội không vượt quá giới hạn truy tố ban đầu nên chấp nhận quyết định thay đổi truy tố đồng thời không chấp nhận quan điểm của luật sư về việc cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định lại bị hại và số tiền chiếm đoạt.

Đối với các khách hàng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cá nhân các bị cáo đứng tên trên giấy chứng nhận, mà không thông qua pháp nhân chủ đầu tư. HĐXX không xác định các khách hàng trên là bị hại mà tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Theo đó hành vi liên quan đến việc chuyển nhượng nói trên không bị truy tố và xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án này.

Trả lại 20 thỏi kim loại màu vàng

Ngoài các hình phạt, hội đồng xét xử cũng tuyên về phần dân sự và các tài sản đang bị kê biên. Theo đó, bị cáo Mai và Luyện có trách nhiệm bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại.

Đối với 20 thỏi kim loại màu vàng đã được cơ quan giám định xác định không phải vàng và hai túi đựng các giấy tờ cá nhân của Luyện, hội đồng xét xử cho rằng đây là vật dụng và giấy tờ cá nhân nên trả lại như đề nghị của bị cáo.

Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và tài sản khác, tiếp tục kê biên để đảm bảo việc thi hành án.

Sáng ngày mai (30/12), HĐXX sẽ tiếp tục tuyên án đối với phụ lục liên quan đến phần bồi thường cho các bị hại.

Các mức án cụ thể như sau:

- Nguyễn Thái Luyện: chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Võ Thị Thanh Mai: 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.

- Nguyễn Thái Lực: 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù.

Các bị cáo:

- Trang Chí Linh: 19 năm tù

- Trương Thị Hồng Ngọc: 18 năm tù

- Nguyễn Thái Lĩnh: 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

- Bùi Minh Đức: 17 năm tù

- Huỳnh Thị Ngọc Như: 17 năm tù

- Nguyễn Lê Hoàng Lan: 16 năm tù

- Trần Huy Phúc: 15 năm tù

- Phan Ngọc Nguyên: 15 năm tù

- Trịnh Minh Pháp: 13 năm tù

- Nguyễn Trần Phúc Nguyên: 12 năm tù

- Vũ Hoàng Hải: 12 năm tù

- Nguyễn Thị Vân Anh: 12 năm tù

- Đào Thị Thanh Lợi: 12 năm tù

- Nguyễn Huỳnh Tú Trinh: 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù từ bản án của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị cáo chấp hành chung cho cả hai bản án là 16 năm 6 tháng tù.

- Nguyễn Quang Sơn: 10 năm tù

- Nguyễn Văn Kiên: 10 năm tù

- Nguyễn Trung Trường: 10 năm tù

- Vi Thị Hiến: 10 năm tù

- Võ Văn Trần Quang: 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Huỳnh Thị Kim Thắng: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội rửa tiền.

Tin bài liên quan