Bi bét các công ty quỹ không có quỹ

Bi bét các công ty quỹ không có quỹ

(ĐTCK) Kinh doanh thua lỗ triền miền, hoạt động kém minh bạch, tìm cách đổi tên, đổi chủ, nhưng nhiều công ty quản lý quỹ chưa đổi vận. Điều này giải thích tại sao những công ty này đến nay vẫn chưa từng một lần thành công trong gọi vốn từ nhà đầu tư để thành lập quỹ. 

Ngập chìm trong thua lỗ

Vốn nhỏ, kinh doanh thua lỗ triền miên, hoạt động kém minh bạch và không để lại dấu ấn…, đó là hiện trạng dễ nhận ra ở hầu hết các doanh nghiệp trong số 19 công ty quản lý quỹ chưa bao giờ thành công trong huy động vốn để lập quỹ.

Rất nhiều công ty liên tiếp từ năm 2015 đến nay ghi nhận kinh doanh thua lỗ như: Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC (AFM), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Bông Sen (Lotus Capital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Tín (VTCC)… (xem bảng). Thua lỗ triền miên khiến các công ty này ghi nhận lỗ lũy kế hàng năm.

Ngoài ra, nhiều công ty hiện không có quỹ cũng đang có lỗ lũy kế như: Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Đông (OMC), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGIC), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Thái Dương (Thai Duong Capital)… Đáng chú ý, trong số này có công ty ghi nhận mức lỗ lũy kế đến hết năm 2018 vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu như Lotus Capital, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí Tuệ Việt Nam (IVAM)…

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018, Lotus Capital lỗ thêm 2 tỷ đồng trong năm qua, nâng lỗ lũy kế tăng lên 15,8 tỷ đồng, qua đó vốn chủ sở hữu chỉ còn 9,1 tỷ đồng.

Cũng ở trong tình trạng lỗ nặng tương tự, tại địa chỉ http://www.ivam.vn, mà IVAM đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thông tin tài chính mới nhất được Công ty cập nhật đến thời điểm này là báo cáo tài chính bán niên 2018 đã soát xét. Theo đó, IVAM còn lỗ lũy kế tới hơn 46,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 23,6 tỷ đồng.

Với hiện trạng vốn nhỏ, sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, khả năng cạnh tranh cũng như thành tích đầu tư kém cỏi, con đường để những công ty trên thoát lỗ, làm ăn khởi sắc, gọi được vốn để lập quỹ tiếp tục mờ mịt.

Bi bét các công ty quỹ không có quỹ  ảnh 1

Kém minh bạch

Không chỉ làm ăn bết bát, hoạt động của nhiều công ty quản lý quỹ chưa có quỹ bộc lộ nhiều điểm kém minh bạch, khi thông tin hoạt động chậm được công khai, hoặc công bố không đầy đủ… Trên trang thông tin điện tử của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Đỏ (Red Capital), tại mục “Quan hệ nhà đầu tư”, phải nhập email và mật khẩu thì mới truy cập được… Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC “quên” cập nhật thông tin khi tại www.aicfund.vn, thông tin tài chính mới nhất được cập nhật là năm 2013…

Tương tự, thông tin tài chính mới nhất mà IVAM công khai qua website của Công ty là báo cáo tài chính bán niên 2018. Đây không phải là lần đầu IVAM chậm công khai thông tin.

Trong năm 2018, Thanh tra UBCK đã ban hành Quyết định 179/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty 60 triệu đồng, vì hàng loạt vi phạm về công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật: Công ty công bố thông tin chậm trên hệ thống công bố thông tin của UBCK đối với các tài liệu: báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán; báo cáo tài chính các quý năm 2016, 2017; biên bản họp và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016; thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị. Điều đáng nói là sau khi bị xử phạt, IVAM vẫn… chậm công bố thông tin, tạo nên hình ảnh không đẹp trong khối công ty quản lý quỹ.

Cũng với hành vi sai phạm tương tự, cuối năm qua, Lotus Capital bị UBCK xử phạt 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của UBCK đối với các tài liệu: báo cáo tài chính quý IV/2016, 4 quý năm 2017, quý I và II/2018; báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính năm 2017 đã kiểm toán; nghị quyết và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017… 

Xoay xở đổi vận

Trong bối cảnh thua lỗ triền miên, một số công ty quản lý quỹ tìm cách đổi tên, đổi chủ, thay đổi văn phòng hoạt động với kỳ vọng đổi vận. Tuy nhiên, thực tế diễn ra chưa như mong đợi của họ.

Tự giới thiệu có các đối tác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP An Bình và các định chế tài chính nước ngoài, với cổ đông tổ chức là Công ty cổ phần Liên hiệp vận chuyển Gemadept..., IVAM được thành lập năm 2008 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Bảo Tín, vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Năm 2011, Công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần Quản lý quỹ đối tác Toàn cầu và chuyển trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội. Năm 2015, Công ty một lần nữa tiến hành đổi tên thành Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí Tuệ Việt Nam, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng, với tham vọng trở thành công ty quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam. Thế nhưng, 3 năm trôi qua, hàng đầu chưa thấy, mà chỉ thấy ở… hàng cuối.

IVAM liên tiếp kinh doanh thua lỗ, khiến cho lượng vốn chủ sở hữu bơm thêm tiếp tục bị “ăn mòn”. Đến giữa năm 2018, mức vốn 70 tỷ đồng đầu tư của chủ sở hữu giảm mạnh còn 23,6 tỷ đồng. Phải chăng, mức vốn ít ỏi này tiếp tục “bốc hơi”, nên đến nay Công ty vẫn trì hoãn việc công khai báo báo tài chính năm 2018?

Thua lỗ triền miên, đầu năm nay, IVAM đã thay Tổng giám đốc. Theo đó, cùng với quyết định miễn nhiệm chức Tổng giám đốc đối với bà Trần Thanh Vân, IVAM bổ nhiệm ông Lê Tiến Đông làm Tổng giám đốc. Trước khi miễn nhiệm, bà Vân ngồi vào ghế Tổng giám đốc chưa “ấm chỗ”, vì mới được bổ nhiệm vào ví trị này chưa được 1 năm (từ ngày 5/4/2018).

Cùng với thay đổi vị trí cao nhất trong Ban điều hành, IVAM vừa thay đổi nhân sự Ban kiểm soát. Theo đó, thay vị trí Trưởng ban kiểm soát của bà Nguyễn Thị Tuyết Nga là bà Trần Thị Thu Hà…

Tại Lotus Capital, thua lỗ nặng, nên từ năm ngoái đến nay, quá trình đổi chủ tại đây diễn ra với nhiều cung bậc đáng chú ý. Theo đó, vào tháng 4/2018, ông Đoàn Ngọc Hoàn được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Lotus Capital.

Đến tháng 11/2018, ông Hoàn đã từ nhiệm vị trí cao nhất trong HĐQT của Lotus Capital. Người kế nhiệm là ông Cao Hoài Thanh. Tiếp sau động thái này, ở vai trò là Chủ tịch HĐQT Lotus Capital, vào cuối tháng 11/2018, ông Thanh ký quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Lotus Capital, đồng thời yêu cầu ông Tài bàn giao công việc cho Chủ tịch HĐQT Công ty. Ông Tài là người sáng lập Lotus Capital. Ông Thanh cũng đồng thời thế chân ông Tài làm Giám đốc của Lotus Capital.

Quá trình đổi chủ tại Lotus Capital chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mới đây, ngày 6/3/2019, UBCK đã có quyết định chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần tại Lotus Capital. Theo đó, 3 cổ đông gồm: Nguyễn Đức Tài, Doãn Thị Mai Hương và Phan Văn Chiến đã chuyển nhượng toàn bộ 1 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ đang nắm giữ tại Công ty cho nhà đầu tư Lê Khánh Trình.

Trước khi mua lượng lớn cổ phiếu lớn, nhà đầu tư này chưa sở hữu một cổ phần nào của Lotus Capital. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một nguồn tin từ Lotus Capital cho hay, quá trình đổi chủ tại Công ty vẫn đang diễn ra, nhưng danh tính người mua cuối cùng chưa được tiết lộ.

TTCK Việt Nam hiện có 48 công ty quản lý quỹ, nhưng chỉ có hơn 10 công ty đứng vững với nghề và đang gia tăng sức ảnh hưởng về cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Phần lớn còn lại là những công ty nhỏ, làm ăn thua lỗ, ốm yếu, tồn tại chờ cơ hội… đổi vận. Ngành quỹ - vốn được kỳ vọng là nơi sinh ra các quỹ đầu tư chuyên nghiệp trong nước - lại cho thấy không dễ trụ lại với nghề trên TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan