Bị áp thuế, hàng loạt doanh nghiệp giống nông nghiệp kêu cứu: VSTA quyết liệt phản biện hải quan

Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) phản biện quyết liệt lên Chính phủ và các bộ, ngành về mức áp thuế 10% với hạt giống.
Bị áp thuế, hàng loạt doanh nghiệp giống nông nghiệp kêu cứu: VSTA quyết liệt phản biện hải quan

Tiếp nhận kêu cứu của các doanh nghiệp, trước phản hồi của Tổng cục Hải quan cho rằng áp thuế 10% với hạt giống là đúng, Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) đã có phản biện quyết liệt lên Chính phủ và các bộ, ngành.

Thông tư của Bộ NN&PTNT “không là căn cứ để tính thuế Suất”?

Như Báo Đầu tư đã phản ánh, hàng loạt doanh nghiệp nông nghiệp ở TP.HCM kêu cứu vì Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) đã áp mã HS và tính thuế, yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng thuế 10% với hạt giống rau và dưa hấu cũng như truy thu thuế mặt hàng hạt giống dưa hấu từ năm 2015 - 2018; áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với hạt giống bí đỏ, dưa lê, dưa lưới, hạt hoa hướng dương từ năm 2019 và thuế nhập khẩu 15% đối với mặt hàng hạt giống ngô, rau mùi từ năm 2020.

VSTA cho hay, ngay khi nhận được kêu cứu của các doanh nghiệp và kiến nghị của Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ, Hiệp hội đã có Công văn số 01/2020/CV-VSTA gửi Tổng cục Hải quan xem xét, chỉ đạo hải quan các tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật về áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với giống cây trồng nhập khẩu.

Ngày 28/4/2020, Tổng cục Hải quan có Công văn số 2734/TCHQ-TXNL trả lời VSTA. Theo đó, Tổng cục Hải quan căn cứ chú giải pháp lý 3, Chương 12 của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam để cho rằng, các loại hạt dưa và hạt bí là hạt có dầu. Đối chiếu nội dung chú giải, thì các mặt hàng hạt giống dưa, hạt giống bí, dù dùng để gieo trồng, cũng phải được phân loại thuộc nhóm 12.07, nên việc áp thuế 10% là chính xác.

Từ đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, Bảng mã HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Phụ lục 02, Thông tư số 24/2017/BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ NN&PTNT (ban hành Bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT) không phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính và “không là căn cứ để tính thuế suất”.

Trong công văn trả lời VSTA, Tổng cục Hải quan cho biết, “sẽ báo cáo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với Bộ NN&PTNT để rà soát, thống nhất lại danh mục Bảng mã HS nêu trên và đề xuất Chính phủ sửa đổi mức thuế suất ưu đãi tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, ngày 16/11/2017 để phù hợp đối với mặt hàng giống cây trồng (hạt giống dưa, hạt giống bí đỏ…), đảm bảo thống nhất trong thực hiện chính sách”.

VSTA “đấu” quyết liệt

Không đồng tình trả lời của Tổng cục Hải quan, VSTA đã có Công văn số 03/2020/CV-VSTA gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc “áp mã HS và tính thuế nhập khẩu hạt giống rau và hạt giống dưa các loại”.

Viện dẫn quy định tại Khoản 12, Điều 16, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13: “Giống cây trồng trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được miễn thuế”, VSTA khẳng định, việc hải quan áp thuế 10 - 15% với giống cây trồng nhập khẩu là chưa đúng quy định trên. 

Theo VSTA, điều này cũng được quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ (ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan): Các loại rau đậu khô, đã bóc vỏ quả, đã hoặc chưa bóc vỏ hạt hoặc làm vỡ hạt (nhóm 07.13) phù hợp để gieo trồng; hạt, quả và mầm để gieo trồng (nhóm 12.09) được hưởng thuế suất bằng không (0%).

Để thống nhất quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành theo quy định tại Khoản 12, Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, ngày 1/9/2016 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT, ngày 15/11/2017 và Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT, ngày 29/10/2018 ban hành Bảng mã HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Trong đó, quy định rõ nhóm hạt giống rau, dưa thuộc mã HS 12.09 và được áp thuế suất nhập khẩu là 0%.

VSTA cho rằng, thông tư của Bộ NN&PTNT có giá trị pháp lý và là căn cứ để tính thuế, vì đó là thông tư của bộ chuyên ngành, cụ thể hóa Khoản 12, Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP rằng, những giống cây trồng nằm trong mã HS của thông tư này là những giống cây trồng Việt Nam chưa sản xuất được, khi nhập khẩu được miễn thuế theo quy định.

“Đây là văn bản luật và ban hành có sự kiểm soát, thống nhất giữa 2 bộ, mặt hàng giống cây trồng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực này có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ, thông tư này được ban hành sau thông tư của Bộ Tài chính”, văn bản của VSTA khẳng định.

VSTA kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ liên quan thống nhất cách áp thuế suất đối với giống cây trồng nhập khẩu là 0% theo đúng quy định tại Khoản 12, Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cần bàn bạc thống nhất Danh mục bảng mã HS đối với giống cây trồng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện.
Tất cả để hỗ trợ ổn định và phát triển sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp ổn định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến việc cung ứng mặt hàng giống cây trồng các loại cho sản xuất nông nghiệp.   

Theo quan điểm của VSTA, Tổng cục Hải quan hiểu chưa đúng về chú giải pháp lý 3, Chương 12, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính khi cho rằng, “các mặt hàng hạt giống dưa, hạt giống bí, là những loại hạt có dầu, nên dù dùng để gieo trồng thì vẫn phải được phân loại thuộc nhóm 12.07 (chịu thuế - PV)”.

VSTA khẳng định, chú giải nêu trên phải được hiểu đúng như sau: các sản phẩm trong nhóm từ 12.01 đến 12.07 hay 12.11 nếu được xác định là giống cây trồng, thì được hưởng thuế suất ưu đãi là 0%. Chỉ các sản phẩm (trong nhóm từ 12.01 đến 12.07 hay 12.11) không được xác định là giống cây trồng (dù có thể dùng để gieo trồng vẫn không được gọi là giống) mới không được hưởng thuế suất 0%.

Ví dụ, với hạt đậu tương (mã 12.01), nếu xác định là hạt giống, thì xếp vào mã 12.01.00 và được hưởng thuế suất 0%; còn nếu là hạt đậu tương thương phẩm, thì không được hưởng thuế suất 0%.

“Do vậy, các loạt hạt giống rau, dưa nếu xác định làm giống để gieo trồng, thì phải được xếp mã HS 12.09.91.90, được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, chứ không thể xếp mã 12.07.70.00 để áp thuế như Tổng cục Hải quan đề nghị”, văn bản của VSTA nêu rõ.

Hạt giống không thể ăn được?

Theo phân tích của một doanh nghiệp giống cây trồng, thì gần như tất cả các loại hạt giống dưa nhập khẩu đều là hạt lai F1 được xử lý thuốc chống mốc, chống nấm, vi khuẩn gây hại. Vì vậy, hạt giống nhập khẩu có giá rất đắt, chắc chắn chỉ để làm giống, chứ không ai dùng cho mục đích tiêu dùng thương mại và cũng không thể ăn được.

Minh chứng là, trên thị trường hiện nay, gần như 100% hạt giống dưa các loại nhập khẩu hiện là hạt ưu thế lai F1 với giá tới hàng chục triệu đồng/kg, cao gấp rất nhiều lần so với các loại hạt thương phẩm (hạt dưa, bí, hạt khác dùng để ép dầu hoặc ăn trực tiếp).

Doanh nghiệp giống cây trồng này cho rằng, cách hiểu của cơ quan hải quan về hạt giống để gieo trồng và hạt giống thương phẩm (ăn được - PV) là chưa đúng, không có ranh giới giữa giống và thương phẩm, sẽ gây khó, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, VSTA cho rằng, những lĩnh vực thuộc chuyên ngành, nếu cơ quan hải quan chưa rõ, thì cần phải tham khảo cơ quan chuyên ngành, không áp thuế cứng nhắc, tùy tiện, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt giống - một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân, sức cạnh tranh trên thị trường nông sản trong bối cảnh hội nhập.

Trong khi đó, hiện tại, năng lực nghiên cứu và sản xuất hạt giống rau, dưa các loại ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhất là nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất hạt lai F1. Theo tính toán, 85% hạt giống rau, dưa cung ứng cho nông dân sản xuất trên thị trường nước ta đều nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan...

Nhờ có cơ chế thông thoáng trong xuất nhập khẩu, Việt Nam trở thành quốc gia với nhiều thế mạnh trong sản xuất rau củ quả xuất khẩu. Mỗi năm, hàng trăm ngàn tấn dưa hấu được xuất khẩu đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nông dân.

Thế nên, việc bị áp thuế bởi cách hiểu sai sẽ không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp giống cây trồng, mà còn gia tăng khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp nước nhà.

Tin bài liên quan