Khoảng 14h30, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm phiên tòa "bầu" Kiên đang tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm, bị án Trần Ngọc Thanh đã ngất xỉu.
Hội đồng xét xử đã yêu cầu lực lượng y tế vào chăm sóc sức khỏe cho bị án. Trần Ngọc Thanh đã phải thở ô xy. Xét tình trạng sức khỏe của bị án, lực lượng y tế đã phải đưa bị cáo vào bệnh viện cấp cứu.
Do việc này, phiên tòa đã phải tạm dừng trong khoảng 30 phút.
Trước đó, từ 14h ngày 28/11, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên tiếp tục làm việc.
Thay mặt Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa Đặng Bảo Vĩnh tóm tắt vụ án.
Về hành vi kinh doanh trái phép, Nguyễn Đức Kiên là người đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại B&B; CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG); CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); CTCP Đầu tư Á Châu (ACI), CTCP TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI – HN), CTCP Phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam.
Các công ty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng không có ngành nghề kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng tài khoản nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo các công ty này thực hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phần, cổ phiếu, vàng tài khoản trái phép.
Tổng số tiền Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép là hơn 21.490 tỷ đồng.
Các công ty này không được cấp phép kinh doanh ngành nghề: “hoạt động đầu tư tài chính”; “kinh doanh tài chính khác”; “mua bán cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng”, nhưng vẫn thực hiện việc góp vốn, mua bán cổ phần, cổ phiếu.
Riêng về kinh doanh vàng trái phép, Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng Công ty Thiên Nam vẫn ký hợp đồng để thay thế VietBank thực hiện ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản.
Người đại diện Công ty Thiên Nam thực hiện giao dịch vàng tài khoản là Nguyễn Đức Kiên thông qua hệ thống ghi âm tại Ngân hàng ACB. Từ ngày 30/11/2009 đế 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã giao dịch tổng cộng hơn 462.000 ounce vàng tương đương 9.796 tỷ đồng.
Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB.
Tòa cấp sơ thẩm cho rằng có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Đức Kiên phạm tội Kinh doanh trái phép và tuyên phạt 20 tháng tù giam.
Về hành vi Trốn thuế, Công ty B&B có ký hợp đồng ủy thác cho ACB thực hiện kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B lãi hơn 100 tỷ đồng.
Nhưng cùng ngày ký hợp đồng với ACB, Công ty Thiên Nam cũng ký hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Nguyễn Đức Kiên) với nội dung bà Hương ủy thác cho Công ty B&B kinh doanh vàng, phí ủy thác là 1%.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thúy Hương khai không am hiểu kinh doanh, anh Kiên bảo ký thì ký ủy thác, không phải ký quỹ, mọi việc kinh doanh do anh Kiên làm, lãi chuyển cho anh Kiên kinh doanh tiếp.
Tòa cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng ủy thác giữa Công ty Thương mại B&B là không hợp pháp, chỉ là hình thức, hợp đồng khống nhằm mục đích chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh vàng cho cá nhân Nguyễn Thúy Hương. Người thực hiện, chỉ đạo mọi hoạt động kinh doanh vàng là Nguyễn Đức Kiên, đại diện cho Công ty B&B.
Cơ quan thuế cho biết trong năm 2009 và 2010, Công ty B&B kinh doanh có lãi và đã nộp thuế. Số thuế còn lại là số thuế doanh nghiệp không kê khai từ việc kinh doanh vàng trạng thái.
Tòa cấp sơ thẩm nhận thấy có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Đức Kiên phạm tội trốn thuế và tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù giam.
Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công ty ACBI sở hữu gần 30 triệu CP của CTCP Thép Hòa Phát và dùng 22,4 triệu CP thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tại ACB.
Nhưng vào tháng 5/2012, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo hai nhân viên là Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty ACBI và Trần Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu CP cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát lấy 264 tỷ đồng.
Sau này, khi vụ án được khởi tố, Công ty ACBI đã trả lại Thép Hòa Phát số tiền 64 tỷ đồng.
Tòa cấp sơ thẩm nhận định, lời khai từ phía Thép Hòa Phát khẳng định không hề biết việc CP đã bị thế chấp tại Ngân hàng ACB, cũng không có việc hoán đổi CP, nếu có giao dịch khác thì độc lập với giao dịch này. Lời khai này phù hợp với nội dung của hợp đồng chuyển nhượng, không có nội dung hoán đổi CP.
Nguyễn Đức Kiên khai có tài sản nhiều nghìn tỷ, không có ý định chiếm đoạt. Tòa cấp sơ thẩm nhận thấy sau khi nhận tiền từ Thép Hòa Phát, Kiên chỉ đạo 2 nhân viên sử dụng vào các mục đích khác nhau, không có tác động nào đến ACB và CTCK ACBS để giải chấp số CP. Điều này càng thể hiện ý thức chiếm đoạt của bị cáo.
Với tội danh này, Nguyễn Đức Kiên bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Trần Ngọc Thanh bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam.
Về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, Nguyễn Đức Kiên và 5 cựu lãnh đạo của ACB gồm Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang bị quy kết có hành vi làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ nhất là hành vi ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại 718 tỷ đồng. Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền vào thời điểm 22/3/2010 pháp luật không cấm, không gây thiệt hại cho ACB nên bị cáo không phạm tội.
Tòa cấp sơ thẩm cho rằng các ngân hàng chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác được quy định cụ thể trong Luật tổ chức tín dụng. Theo đó, không có hoạt động ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền tại ngân hàng khác.
Mặt khác, trước khi Luật tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực thì ngân hàng không được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền. Sau khi luật này có hiệu lực thì việc ủy thác gửi tiền nhất thiết phải có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai là hành vi đầu tư CP ACB gây thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng. Các bị cáo đã tham gia cuộc họp và chủ trương đầu tư một số CP trong đó có CP ACB.
Việc CTCK ACBS đầu tư cổ phiếu ACB là trái với quy định tại Quyết định 27/2007/QĐ-BTC, theo đó, các CTCK không được phép đầu tư vào CP hoặc phần vốn góp của công ty mẹ. Trong khi đó ACB lại sở hữu 100% vốn điều lệ của ACBS.
Nguồn tiền mua cổ phiếu của chính mình được Ngân hàng ACB luân chuyển như sau: ACB cho KienLongBank vay 1.000 tỷ đồng, cho VietBank vay 500 tỷ đồng liên ngân hàng với lãi suất thấp. Hai ngân hàng lại cho ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng qua hình thức mua trái phiếu ACBS với lãi suất cao hơn. Sau đó ACBS chuyển 1.500 tỷ đồng nêu trên sang hai công ty ACI và ACI – Hà Nội để mua 51,7 triệu CP của ACB thông qua hình thức hợp tác đầu tư.
Tòa cấp sơ thẩm nhận định có căn cứ để kết luận các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái và tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 18 năm tù giam. Lý Xuân Hải bị phạt 8 năm tù giam, Lê Vũ Kỳ bị tuyên phạt 5 năm tù giam. Trịnh Kim Quang bị tuyên phạt 4 năm tù giam. Phạm Trung Cang bị tuyên phạt 3 năm tù giam. Huỳnh Quang Tuấn bị tuyên phạt 2 năm tù giam.