Những ngày qua, thị trường chứng khoán đã được một phen xôn xao khi có tin Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) bị Công ty Cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) thâu tóm. Chuyện sẽ không thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đến vậy nếu như Vicostone không được đánh giá là một trong những cổ phiếu “ngôi sao” trên sàn Hà Nội, trong khi thông tin về Phượng Hoàng Xanh vẫn còn là một ẩn số.
Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, vị thế độc quyền của Vicostone trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đá nhân tạo đã sớm được xác định bởi chính những cổ đông sáng lập đến từ Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Lợi thế của Vicostone nằm ở công nghệ chế tạo đá nhân tạo kỹ thuật cao và kỹ thuật phối màu thành công.
Chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính cũng đã cho thấy tiềm năng của công ty này. Từ mức vốn điều lệ 22,93 tỉ đồng ban đầu năm 2005, con số này đã tăng hơn 23 lần và chạm mức gần 530 tỉ đồng tính đến cuối quý II/2014. Tổng doanh thu cũng tăng qua từng năm với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2005-2013 đạt trên 34%.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011, bức tranh tài chính của Vicostone đã hé lộ một số điểm bất thường. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ gần 123 tỉ đồng năm 2011 xuống còn chỉ 56 tỉ đồng trong năm tiếp theo. Những chỉ số tài chính khác đều đưa ra cùng một kết luận về tình hình kinh doanh bất ổn của Vicostone trong thời gian này. Đơn cử như lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm hơn một nửa chỉ trong vòng 1 năm từ 2.637 đồng (năm 2011) xuống còn1.030 đồng (năm 2012).
Về phía Phượng Hoàng Xanh, chưa có một thông tin cụ thể chính thức nào được đưa ra từ công ty này tính đến thời điểm hiện tại. Tất cả những gì tìm được là Báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn thông báo về việc Phượng Hoàng Xanh nâng tỉ lệ sở hữu tại Vicostone từ 2,56% lên 58% (được thực hiện trong ngày 12.8.2014 thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt). Ngoài ra, theo biên bản Đại hội đồng cổ đông của Vicostone, công ty mẹ Phượng Hoàng Xanh chỉ mới được thành lập năm 2010 với quy mô vốn ban đầu là 300 tỉ đồng, dự kiến tăng quy mô vốn lên mức 800 tỉ đồng trong thời gian tới.
Chỉ trong 4 năm từ lúc đăng ký hoạt động, Phượng Hoàng Xanh đã ghi một số dấu ấn mà không phải công ty nào cũng làm được. Trong 2 năm 2012 và 2013, Công ty đã đàm phán và ký hợp đồng độc quyền mua thiết bị và chuyển giao công nghệ từ tập đoàn công nghệ Ý Breton với thời hạn độc quyền 6 năm. Chính thức từ tháng 9.2013, Phượng Hoàng Xanh trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vicostone.
Ký hợp đồng độc quyền đồng nghĩa với việc Vicostone trở nên kém cạnh trước đối thủ trẻ Phượng Hoàng Xanh, bởi Vicostone cũng sử dụng công nghệ chuyển giao từ Breton, nhưng các thiết bị đang dần trở nên lỗi thời với công suất thấp. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã ký các hợp đồng phân phối sản phẩm lớn tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là mặc dù các hợp đồng đã được ký, nhưng nhà máy sản xuất đá thạch anh tấm lớn của Phượng Hoàng Xanh chỉ mới được khởi công xây dựng từ tháng 4.2014. Điều này làm dấy lên 3 câu hỏi lớn. Thứ nhất, một công ty non trẻ và chưa hề tạo ra sản phẩm như Phượng Hoàng Xanh lại dễ dàng có được hợp đồng từ các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Thứ hai, theo Bộ Xây dựng, tổng mức vốn đầu tư nhà máy của Phượng Hoàng Xanh dự kiến gần 1.861 tỉ đồng. Trong đó, chủ đầu tư sử dụng vốn tự có là hơn 337 tỉ đồng, cộng với hơn 786 tỉ đồng được Ngân hàng Công Thương Việt Nam cam kết cho vay và một khoản khác đã được lên kế hoạch tài trợ. Chỉ với quy mô vốn ban đầu là 300 tỉ đồng nhưng Công ty có thể làm biết bao nhiêu chuyện như đầu tư nhà máy và nhập khẩu trang thiết bị độc quyền từ Ý.
Đó là chưa kể việc Phượng Hoàng Xanh đã bỏ ra một lượng tiền lớn gần 679 tỉ đồng để mua thỏa thuận hơn 29 triệu cổ phiếu VCS tại mức giá trần 23.100 đồng/cổ phiếu, trong khi cuối phiên, VCS đóng cửa ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Kết hợp với thông tin từ Vicostone rằng Phượng Hoàng Xanh “là công ty có khả năng huy động vốn tài chính quốc tế rất tốt”, chắc hẳn người đứng sau công ty này phải là cá nhân hoặc tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh và uy tín lớn.
Thứ ba, Phượng Hoàng Xanh sẽ lấy nguồn hàng từ đâu để cung cấp trong lúc chờ đợi đến khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6.2015? Chắp nối các dữ liệu có thể kết luận việc thâu tóm Vicostone là điều mà Phượng Hoàng Xanh đã chuẩn bị bài bản từ trước.
Tháng 12.2010, Vicostone thực hiện chuyển đổi 165 tỉ đồng cho Red River Holding (100 tỉ đồng) và Ngân hàng Tiên Phong (65 tỉ đồng) thành 3 triệu cổ phần với giá chuyển đổi là 55.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, mức giá đóng cửa bình quân của cổ phiếu VCS trong tháng 12.2010 chưa tới 35.000 đồng. Rõ ràng, đây là một cuộc hoán đổi mà Red River Holding chấp nhận phần thiệt.
Có lẽ vì việc đầu tư ban đầu đã không thuận lợi này, cộng với những khó khăn mang tính chu kỳ của Vicostone (như máy móc xuống cấp, dòng sản phẩm Terastone trở nên lỗi thời và việc sản phẩm nhân tạo không phơi nắng trở nên yếu thế trước các đối thủ mới) đã khiến Red River Holding không hài lòng.
Mâu thuẫn nội bộ trong Công ty ngày càng lớn, đỉnh điểm là việc một nhóm cổ đông nắm giữ 36,39% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đã không thông qua tất cả các nội dung được trình bày trong Đại hội đồng cổ đông năm 2012. Sau một thời gian hợp tác dài không mang lại kết quả như mong đợi, Red River Holding đã bắt đầu buông xuôi. Và chính lúc này, Phượng Hoàng Xanh đã âm thầm dang tay che chở cho “đối thủ” Vicostone.