BGM có dấu hiệu… tan rã?

BGM có dấu hiệu… tan rã?

(ĐTCK) Không ai ngoài 6 cổ đông nội bộ tham dự ĐHCĐ; thường xuyên bị HOSE nhắc nhở, cảnh báo; Ban lãnh đạo ồ ạt bán cổ phiếu; Chủ tịch HĐQT từ chức; kết quả kinh doanh quý III/2012 thua lỗ; giá cổ phiếu sau hơn 1 năm giảm gần 90%... là những diễn biến xấu tại CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (niêm yết ngày 20/6/2011 với mã BGM).

Thua lỗ quý III/2012

Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2012 được công bố ngày 12/10, doanh thu thuần của BGM chỉ đạt 42 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 8,05 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn 82 triệu đồng, khiến BGM lỗ gộp 40 triệu đồng. Với chi phí quản lý DN là 580 triệu đồng, BGM lỗ sau thuế 620 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lãi 1,85 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, BGM chỉ còn lãi 707,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 27,03 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu quý III của BGM cũng là doanh thu của cả 3 quý, do hai quý trước đó, Công ty không ghi nhận doanh thu. Vốn chủ sở hữu của BGM tại ngày 30/9 là 207 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền từ đầu năm đến nay, BGM ghi nhận hơn 40,6 tỷ đồng nhận được từ hoạt động kinh doanh, nhưng đã chuyển đi 40 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào CTCP Chế biến, tuyển luyện khoáng sản Tân Đại Lợi (theo hợp đồng ký ngày 6/6/2012, vốn góp chiếm 25% vốn điều lệ của Tân Đại Lợi).

Tính đến 30/9/2012, Công ty còn hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng; nợ phải trả, chủ yếu là nợ ngắn hạn là 11,2 tỷ đồng; hàng tồn kho gần 12 tỷ đồng, chủ yếu ở dạng nguyên vật liệu và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Đáng chú ý, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tăng 14 lần so với đầu năm.

Liên tục bị HOSE nhắc nhở, cảnh báo

BCTC có 13 trang, nhưng theo công bố của BGM (tại website Công ty và HOSE), trang thứ 12 bị “mất”, khiến NĐT không nắm được rõ hơn các giải trình liên quan đến hoạt động của Công ty.

Với việc BGM thường xuyên bị HOSE nhắc nhở, cảnh báo vì vi phạm chế độ công bố thông tin (CBTT) từ tháng 3/2012 đến nay, nhiều ý kiến cho rằng, “sự cố” này không phải là ngẫu nhiên. Ngày 29 - 30/3, HOSE có thông báo về việc Chủ tịch HĐQT và Ủy viên HĐQT BGM vi phạm CBTT. Ngày 4/5, HOSE có thông báo nhắc nhở BGM vì chậm CBTT. Ngày 2/7, HOSE có thông báo thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BGM vi phạm CBTT. Ngày 3/7, HOSE nhắc nhở BGM vì chậm CBTT. Ngày 26/7, HOSE đưa cổ phiếu BGM và vào diện cảnh báo. Ngày 22/8, HOSE quyết định cảnh cáo toàn thị trường đối với BGM. Ngày 19/9, BGM bị nhắc nhở chậm nộp BCTC soát xét. Ngày 20/9, HOSE cảnh báo cổ đông nội bộ BGM chậm báo cáo kết quả giao dịch. Ngày 9/10, BGM bị nhắc nhở chậm CBTT về việc góp vốn vào công ty liên kết.

Theo biên bản họp ĐHCĐ lần 3 năm 2012 (ngày 15/8) của BGM, tổng số cổ đông được quyền dự họp là 2.090 người, nhưng chỉ có 6 cổ đông tham dự, đại diện cho 13,66% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Đáng chú ý, theo công bố tại báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, cũng chỉ có 6 người đang nắm giữ cổ phiếu BGM (xem bảng). Có thể thấy, việc họp ĐHCĐ thường niên của BGM gói gọn trong Ban lãnh đạo Công ty.

Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm, Ban lãnh đạo BGM và

người có liên quan đã bán ra 1.703.850 cổ phiếu, chiếm 10,14% vốn điều lệ của Công ty. Tất cả Ban lãnh đạo đều bán ra 50% số cổ phiếu đang nắm giữ.

Việc thoái vốn ồ ạt của các thành viên HĐQT BGM, Công ty không có doanh thu 6 tháng đầu năm nay, không công bố thông tin minh bạch là những lý do đẩy giá cổ phiếu BGM xuống còn hơn 3.000 đồng/CP, bằng 1/4 giá trị sổ sách. Điều này khiến nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Công ty chỉ còn biết “kêu trời”.

 

Chủ tịch HĐQT từ chức

Ngày 1/10/2012, ông Vũ Văn Thảo có đơn từ chức Chủ tịch HĐQT BGM và đã được HĐQT thông qua hai ngày sau đó. Hiện ông Thảo cũng không còn là thành viên HĐQT Công ty. HĐQT Công ty đã đề cử ông Ngô Văn Phương là thành viên bổ sung vào HĐQT, đồng thời bầu ông Phương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 4/10/2012. Theo BGM, việc bổ sung này sẽ được xin ý kiến ĐHCĐ sắp tới.

Theo BCTC bán niên, tính đến 30/6/2012, ông Thảo là cổ đông lớn nhất nắm giữ 6,39% vốn điều lệ của BGM. Đáng chú ý, báo cáo bán niên (lập ngày 24/9/2012) ghi nhận mức tạm ứng cho ông Thảo là 9,566 tỷ đồng, với mục đích thực hiện dự án đầu tư khai thác quặng đồng tại Bắc Giang. Trong báo cáo quý III/2012, khoản tạm ứng này vẫn được ghi nhận, có nghĩa là ông Thảo chưa hoàn trả khoản tạm ứng này.