Hai mỏ vàng lớn nhất tại Việt Nam - Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) lại tiếp tục lâm cảnh lao đao sau khi cách đây ít ngày, Besra - chủ đầu tư của hai dự án này, đã thông báo tới các nhà đầu tư rằng, họ đã ký một thỏa thuận bán toàn bộ tài sản ở Việt Nam cho một công ty mới được thành lập bởi hai ông Paul và David Seton - từng là cựu quản lý cao cấp của Besra.
Cụ thể, Besra sẽ bán toàn bộ tài sản ở mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại Quảng Nam cùng tất cả hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam cho đối tác này.
Cũng theo thông báo từ Besra, nhà đầu tư mới sẽ đảm đương việc hoàn thành các khoản nợ thuế và nợ đối tác còn lại lên tới 25 triệu USD.
Như vậy, chưa đầy một năm sau khi bán bớt 35% cổ phần của Vàng Phước Sơn cho Việt Á Bank, Besra dường đã “bó tay” với đống nợ nần mà họ chây ì nhiều năm không trả nổi ở Việt Nam và đành “bỏ của chạy lấy người”.
Lý do được ông Jon Morda, một giám đốc độc lập của Besra cho biết, khoản nợ lên tới 25 triệu USD đã ảnh hưởng xấu tới bảng cân đối tài chính của Tập đoàn. Trong khi đó, giấy phép đầu tư của mỏ vàng Bồng Miêu đã hết hạn, khiến dòng tiền tự do của Tập đoàn trong ít nhất 3 năm tới bị ảnh hưởng. Đó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư của Besra không còn hào hứng với việc nắm giữ các tài sản ở Việt Nam nữa - một khối tài sản đang bị gắn với một đống nợ nần và các rủi ro kinh doanh khác. Trong bối cảnh như vậy, việc Besra bán tài sản ở Việt Nam được cho là dễ hiểu.
Chưa đầy một năm sau khi bán bớt 35% cổ phần của Vàng Phước Sơn cho Việt Á Bank, Besra dường đã “bó tay” với đống nợ nần mà họ chây ì nhiều năm không trả nổi ở Việt Nam và đành “bỏ của chạy lấy người”
Tất nhiên, vẫn còn phải chờ đợi cuộc họp các cổ đông của Besra vào ngày 23/5/2017, thì quyết định cuối cùng mới được đưa ra. Nói đúng hơn, đó gần như chỉ là bước cuối cùng để Besra “hợp thức hóa” việc “buông tay” ở Việt Nam. Chứ hiện thời, do mất khả năng trả nợ, Besra gần như đã không còn khả năng hồi phục hoạt động của hai mỏ vàng lớn nhất tại Việt Nam.
Điều đáng nói là, cùng vào thời điểm Besra ra thông báo về việc thoái vốn ở Việt Nam, thì Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với Vàng Phước Sơn, một công ty mà Besra đang nắm giữ 50% cổ phần.
Tất cả những động thái trên khiến dư luận lo ngại về số phận của 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Điều quan trọng hơn, khoản nợ 25 triệu USD sẽ được các bên giải quyết ra sao?
Như thông báo của Besra, nghĩa vụ này sẽ được “chuyển giao” cho nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng 8 năm ngoái, sau khi Công ty cổ phần Vàng Việt Á của Việt Á Bank quyết định tham gia tái cơ cấu Vàng Phước Sơn bằng cách mua 35% cổ phần của công ty này (tức là giảm số cổ phần mà Besra nắm giữ tại Vàng Phước Sơn xuống còn 50%), Việt Á Bank đã đứng ra bảo lãnh khoản nợ thuế gần 300 tỷ đồng của Vàng Phước Sơn để giúp Công ty trở lại hoạt động sau 2 năm bị niêm phong.
Tưởng rằng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nhất là khi mỏ vàng Phước Sơn đã hoạt động trở lại trong sự hồ hởi của không chỉ chủ đầu tư, mà còn của các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Một số khoản nợ thuế đã được trả, với con số tính đến tháng 12/2016 là 121,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, một lần nữa, mỏ vàng Phước Sơn phải tạm ngừng hoạt động, vì khó khăn về vốn. Việc trả nợ thuế cũng đứt đoạn từ đó. Vẫn còn hơn 213 tỷ đồng nữa chưa được trả và nhà máy thì tiếp tục đóng cửa.
Bây giờ, Besra thoái vốn, “chạy” khỏi 2 mỏ vàng này, cũng là “xong phận” của họ. Nhưng còn phận của 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn sẽ ra sao?