Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 1997.

Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 1997.

Bệnh viện xây xuyên hai thế kỷ vẫn chưa xong

Là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại Hà Nội, sau 16 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có lẽ Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội cần một “đơn thuốc” mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng để có thể chốt thời điểm khai trương.

Dự án vắt qua 2 thế kỷ

 

Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 20/1/1997, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, chủ đầu tư là Tập đoàn Keystoneinvest (Hoa Kỳ).

           

Mục tiêu của Dự án là xây dựng một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, các bệnh về não, tim mạch...

 

Bệnh viện có quy mô 9 tầng với 300 giường bệnh, tổng diện tích sàn là 27.956 m2 và đặc biệt là có một bãi đỗ trực thăng cấp cứu trên tầng thượng - một hạng mục không thể thiếu của các bệnh viện “5 sao” theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

 

Sau đó, từ năm 1997 đến 2005, Keystoneinvest liên tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư.

 

Nhiều lý do như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế... được chủ đầu tư đưa ra để trì hoãn tiến độ thực hiện Dự án.

 

Đến đầu năm 2006, HĐND TP. Hà Nội đã ra nghị quyết “buộc” Dự án phải khởi công vào quý III/2006, nếu không sẽ tiến hành thu hồi.

 

Mặc dù vậy, đến thời điểm này, tức là sau 7 năm kể từ ngày khởi công, Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội mới xây xong phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt thiết bị.

 

Tuy nhiên, trong công văn trả lời Báo Đầu tư ngày 20/7/2013, bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển quản lý Đá đỉnh vòm Việt Nam (Keystone Vietnam) cho biết, Công ty phải ngừng lắp đặt hệ thống điều hoà không khí, vì Công ty Dunham - Bush (Malaysia) cung cấp hệ thống máy điều hoà trung tâm không đúng với tiêu chuẩn đã cam kết trong hợp đồng mua bán. Hai bên đang thương lượng để mua bán với giá đúng của thiết bị này.

 

“Phần mở rộng khu sân vườn dưới hành lang lưới điện bị quá chậm trễ vì vì không giải phóng được mặt bằng, đã 4 năm mà chưa xong”, công văn gửi Báo Đầu tư nêu rõ. Vẫn tại công văn này, phía Công ty Keystone Vietnam cho biết thêm, dự kiến 6 tháng nữa, Công ty sẽ thi công tiếp phần điều hoà không khí, sau 12 tháng nữa sẽ lắp đặt thiết bị y tế và hoàn thiện tổng thể phần sân vườn, sau 18 tháng nữa sẽ đưa Bệnh viện vào vận hành thử.

 

Vì sao chậm tiến độ?

 

Nhiều lý do đã được Keystone Vietnam đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ của Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội.

 

Lý do đầu tiên là địa điểm xây dựng dự án nằm trên địa bàn của 2 phường Nghĩa Tân và phường Dịch Vọng nên chủ đầu tư Dự án phải tiến hành điều chỉnh giấy phép cho phù hợp với thực địa. Tuy vậy, đến đầu năm 2001, Dự án đã cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng và đã có đầy đủ giấy tờ xác nhận đền bù của phường, quận.

 

Ngoài ra, Dự án còn bị “mắc cạn” từ chính hạng mục sân đậu trực thăng theo tiêu chuẩn quốc tế “5 sao”. Tuy vậy, đến tháng 8/2007, khi Văn phòng Chính phủ chính thức có công văn đồng ý cho phép xây dựng hạng mục sân đậu trực thăng trên tầng 9 của toà nhà, việc triển khai Dự án mới chính thức bắt đầu.

 

Những tưởng, sau khi mọi thủ tục cho Dự án xong xuôi, việc triển khai sẽ nhanh chóng và thuận lợi. Song trước những vướng mắc nảy sinh trong quá trình lắp đặt hệ thống điều hoà với Dunham - Bush xuất hiện từ cuối năm 2012, đến nay, Keystoneinvest mới giải quyết được.

 

Về những diễn biến “ngoài sức tưởng tượng” của quá trình xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội, có thể thấy, sự đình trệ trong tiến độ xây dựng hoàn toàn không có nguyên nhân từ phía chính sách trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài những bước cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, thì những chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục đã được ban hành.

 

Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động, thay vì 28%. Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế tối đa 4 năm (thay vì 2 năm) và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Một số loại dự án đầu tư, mở rộng, xây mới bệnh viện cũng được ưu đãi hơn về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án. Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 

Trong môi trường đầu tư với những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế, nên chỉ trong hơn 2 năm, Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) đã đi vào khai thác và trong hơn 10 năm qua, bệnh viện có tới 26 chuyên khoa chính này liên tục phát triển.

 

Tương tự, Tập đoàn Vingroup cũng chỉ mất chưa đầy 2 năm kể từ khi khởi công cho đến khi chính thức vận hành Bệnh viện Vinmec.

 

Vậy thì, phải chăng, lý do khách quan duy nhất có thể tạo nên một dự án “vắt qua hai thế kỷ” chính là vấn đề mặt bằng? Tuy nhiên, cùng là ách tắc mặt bằng, nhưng nhà thầu Tokyu đang thực hiện Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân đã yêu cầu chủ đầu tư “hỗ trợ” 155 tỷ đồng khi bị chậm bàn giao mặt bằng dự án do họ thi công. Trong khi đó, Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội đã xuất hiện sự “im ắng” một cách khác lạ!?

 

UBND TP. Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy đã nhiều lần nhắc nhở Keystoneinvest về tiến độ thực hiện Dự án. Có lẽ, dự án FDI đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại Hà Nội này cần một “đơn thuốc” mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng để có thể chấm dứt “dự án vắt qua hai thế kỷ”.