Bệnh viện tự chủ hụt hơi vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Không có bệnh nhân, không có doanh thu, khó đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế đang là thực tế mà hầu hết các bệnh viện tự chủ phải đối diện.
Dù doanh thu đang sụt giảm mạnh, nhưng khó khăn của các bệnh viện tự chủ chỉ là tạm thời trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

Dù doanh thu đang sụt giảm mạnh, nhưng khó khăn của các bệnh viện tự chủ chỉ là tạm thời trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

Doanh thu sụt giảm

Những ngày này, Bệnh viện Nội tiết Trung ương hầu như không có bệnh nhân. Tân Giám đốc Phan Hoàng Hiệp cùng hàng trăm nhân viên y tế đã lên đường tới Vĩnh Long, TP.HCM để giúp các địa phương này thành lập bệnh viện dã chiến chống Covid-19.

Chia sẻ về hoạt động của Bệnh viện trong những ngày qua, bác sĩ Phan Hoàng Hiệp cho biết, số lượng bệnh nhân gần như bằng 0 do thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa để phòng, chống Covid-19. “Lượng bệnh nhân thường xuyên của Bệnh viện đều mắc bệnh mạn tính, ở nhiều tỉnh, thành phố. Do vậy, thời điểm này, họ đều ở tại địa phương để điều trị theo phác đồ mà bác sĩ hướng dẫn. Khi có vấn đề cần thiết sẽ được các bác sĩ tư vấn online”, bác sĩ Hiệp thông tin.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện đã có 253 đơn vị y tế tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó có 37 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; nhiều đơn vị đã tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên.

Không có bệnh nhân, không có doanh thu đồng nghĩa với khó khăn trong việc đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Tuy vậy, theo Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, vì mục tiêu chống dịch mà cả nước đang nỗ lực, Bệnh viện vẫn sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí lớn để chống dịch tại chỗ, tổ chức các đoàn tình nguyện Nam tiến giúp đồng bào chống dịch.

Đề cập hoạt động khám chữa bệnh, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, doanh thu của Bệnh viện khi chưa có dịch đạt khoảng 700 - 800 tỷ đồng/năm, nhưng từ năm 2020 tới nay, nguồn thu giảm mạnh.

Tính đến thời điểm này, doanh thu của Bệnh viện chỉ đạt 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2019. “Chỉ có chi mà không có thu, Bệnh viện đang đối diện với nhiều khó khăn, song chúng tôi hy vọng đó chỉ là tạm thời”, bác sĩ Phan Hoàng Hiệp lạc quan.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lượng bệnh nhân đến thăm khám trong những ngày qua giảm mạnh. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bác sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện cho hay, nếu như trước kia, mỗi ngày Bệnh viện khám, chữa bệnh cho khoảng 2.000 bệnh nhân, thì nay chỉ còn khoảng 400 - 500 bệnh nhân.

Những năm trước, mỗi năm Bệnh viện Phụ sản Trung ương có doanh thu khoảng 1.300 - 1.4.00 tỷ đồng, còn năm nay dự kiến chỉ đạt vài trăm tỷ đồng. Giống như các bệnh viện khác, Bệnh viện cũng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa lo công tác khám chữa bệnh, chống dịch tại cơ sở, vừa thực hiện sứ mệnh trợ giúp các địa phương chống dịch.

Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở y tế hạng đặc biệt cũng không ngoại lệ, khi lượng bệnh nhân giảm khoảng 50 - 60%, khiến doanh thu giảm mạnh so với mức bình quân hơn 2.000 tỷ đồng/năm khi Covid-19 chưa xuất hiện.

Khắc phục khó khăn nội tại

Ngoài khó khăn khách quan trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ, khó khăn nội tại mà các bệnh viện gặp phải cũng không nhỏ.

Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các quy định về giá, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất; áp lực cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân trong việc thu hút bệnh nhân, thu hút nhân lực… đang là khó khăn mà cơ sở gặp phải khi thực hiện tự chủ.

“Vấn đề chi đầu tư, tài chính cũng bất cập chồng bất cập. Cốt yếu nhất hiện là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ, nhưng quy định này đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành. Hiện trong lộ trình hoàn thiện, các bệnh viện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện chi đầu tư”, bác sĩ Dương Đức Hùng nêu.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, khó khăn về tự chủ đến từ nguồn tài chính của Bệnh viện, bởi nguồn này chủ yếu là bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy vậy, cơ chế thanh toán BHYT còn nhiều bất cập hoặc đang hoàn thiện.

Mệnh giá BHYT thấp. Chưa kể, BHYT thanh toán chậm trễ, nên bệnh viện trở thành “con nợ” của các đối tác cung ứng thuốc và vật tư tiêu hao. Vì thế, thu nhập của cán bộ, nhân viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bàn về giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác tự chủ của bệnh viện, bác sĩ Trần Danh Cường cho rằng, khó khăn của các bệnh viện tự chủ trong bối cảnh Covid-19 hoành hành chỉ là tạm thời.

Về lâu dài, để phát huy hiệu quả tự chủ, cần phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện.

Đối với những vấn đề liên quan đến BHYT, theo bác sĩ Dương Đức Hùng, cơ quan quản lý cần kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán BHYT để giảm thời gian, công sức; đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, theo kiến nghị của bác sĩ Dương Đức Hùng, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với các bệnh viện tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

“Cần trao quyền cho bệnh viện về công tác nhân sự, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, bảo đảm thời gian cũng như để quyết định đầu tư có hiệu quả hơn”, bác sĩ Dương Đức Hùng đề xuất.

Tin bài liên quan