Thị trường chứng khoán thường tăng giảm theo chu kỳ

Thị trường chứng khoán thường tăng giảm theo chu kỳ

Bệnh chung của các F

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hành động không dứt khoát là bệnh chung không chỉ của các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, các F0 trên thị trường, mà còn phổ biến ở không ít nhà đầu tư dạn dày trận mạc.

Lỗ nhiều mới “tỉnh”

Không thực hiện quyết liệt khiến Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã chứng khoán PET) lỗ hơn 200 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán. Năm 2020, PET bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán. Đây là giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, trong khi hoạt động cốt lõi của hầu hết doanh nghiệp bị đình trệ, không ít doanh nghiệp mang tiền đi đầu tư chứng khoán và ghi nhận nguồn thu đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của Petrosetco, năm 2020, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán hơn 68 tỷ đồng, sang năm 2021 tăng lên gần 232 tỷ đồng và đến cuối tháng 6/2022 đạt 419 tỷ đồng. Sau khi thị trường chứng khoán điều chỉnh, Công ty tiến hành thoái vốn các khoản đầu tư, đặc biệt trong tháng 10 và 11/2022, nhưng vẫn còn giữ hơn 10 tỷ đồng tính đến 31/12/2022. Trong quý I/2023, doanh nghiệp mới “tất toán” và cho biết, không có kế hoạch đầu tư chứng khoán nữa, nguồn vốn sẽ được tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và phân phối thuộc các ngành hàng chủ lực/tiềm năng.

Tại đại hội cổ đông Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC), một cổ đông lớn là giám đốc một công ty đầu tư tỏ ra thán phục Ban điều hành khi năm 2022, danh mục đầu tư chứng khoán tăng 20%. Cho rằng đây là một thành tích xuất sắc, cổ đông này đề nghị Ban điều hành BIC trọng dụng nhân sự bộ phận đầu tư, bởi thực tế không cần nhiều người, mà chỉ cần một vài “cái đầu” giỏi để ra quyết định.

Theo lãnh đạo BIC, thành công trên không đến từ nhân sự đầu tư, mà doanh nghiệp có Hội đồng đầu tư, Hội đồng bàn bạc và ra quyết định, nhân sự đầu tư là người thực thi quyết định đầu tư.

Được biết, trong dàn lãnh đạo của BIC có những nhà đầu tư cá nhân thuộc nhóm xuất sắc, chiến thắng thị trường. Ở thời điểm giữa tháng 11/2022, khi cả thị trường “run sợ”, VN-Index rớt xuống 872 điểm, thấp nhất trong vòng 2 năm, một số lãnh đạo BIC với sự nhạy bén về thị trường đã quyết định mua vào lượng lớn cổ phiếu VIB ở vùng giá 16.000 đồng/cổ phiếu và đến nay ghi nhận lãi lớn.

Bộ phận đầu tư của BIM Group cũng đang thắng lớn với thương vụ đầu tư vào cổ phiếu PC1 ở vùng đáy quanh 17.000 đồng/cổ phiếu khi quyết định mua hàng triệu cổ phiếu mà Dragon Capital thoái vốn năm 2022.

Quyết đoán thực sự là tố chất cần thiết với nhiều nhà đầu tư, nhưng hành động được hay không còn phụ thuộc vào năng lực phân tích bối cảnh ra quyết định và cả tính cách của nhà đầu tư.

Tại đại hội cổ đông Ngân hàng Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) năm 2023, người viết ngồi cạnh một cổ đông sở hữu cả triệu cổ phiếu, được nhà đầu tư này chia sẻ, anh mua vào ở vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu và nắm giữ cho đến nay, không bán ngay cả khi giá có thời điểm tăng lên trên 34.000 đồng/cổ phiếu. Hỏi anh cảm thấy ra sao khi thị giá hiện tại là hơn 18.000 đồng/cổ phiếu, anh tỏ ra tiếc nuối vì không nắm bắt được cơ hội hiện thực hóa lợi nhuận, song vẫn may mắn hơn nhiều nhà đầu tư bị “kẹp hàng” ở vùng đỉnh.

Với cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, có nhà đầu tư cá nhân mua vào thời điểm thị trường sôi động, giá ở mức 8x cuối năm 2021, năm ngoái tham dự đại hội cổ đông và năm nay tiếp tục đến dự đại hội với niềm tin sẽ có ngày “về bờ”, bởi doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt.

Một nhà đầu tư khác đang giữ hàng trăm nghìn cổ phiếu SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương có giá mua ở mức 2x, trong khi thị giá hiện nay rớt xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu. Năm ngoái, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng nhà đầu tư không cắt lỗ, vì giá cổ phiếu giảm sâu quá, nếu bán ra thì số tiền thu về chẳng được bao nhiêu.

Tương tự, một nhà đầu tư gia nhập thị trường năm 2021 mua cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng và cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O lúc giá ở vùng đỉnh, đến nay vẫn nắm giữ. Dù giá cổ phiếu vài tháng gần đây có diễn biến tăng, nhưng khoảng cách tới bờ còn rất xa.

Bản lĩnh lội ngược dòng

Thị trường chứng khoán thường tăng giảm theo chu kỳ, nhưng vẫn có những cổ phiếu ngược sóng, tăng giá khi thị trường giảm. Theo đó, bản lĩnh, sự gan lì và hiểu biết sẽ giúp một số ít nhà đầu tư chiến thắng thị trường trong các giai đoạn khó khăn.

Đầu tư là hành trình học mãi chưa đủ. Luôn khắt khe với quá trình tư duy và giả thuyết về thị trường sẽ mang lại cho nhà đầu tư sự nhanh nhẹn và linh hoạt trong việc ra quyết định.

Cuối năm 2021, một nhà đầu tư hiện thực hóa toàn bộ lợi nhuận từ cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel và chuyển sang mua cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương. Kết quả, cổ phiếu nước không lao dốc theo VN-Index, mà tăng gần 5%. Nhà đầu tư này vẫn chờ “điểm rơi” lợi nhuận của doanh nghiệp rồi mới bán cổ phiếu, chốt lãi.

Một nhà đầu tư khác chọn cách “lướt sóng” theo dòng tiền, nhất là giai đoạn từ đầu năm 2023 đến nay.

“Tôi thường sử dụng full-margin (vay mua tối đa). Đòn bẩy lớn buộc mình phải dứt khoát, cắt lỗ sớm nếu chọn sai cổ phiếu”, nhà đầu tư lướt sóng nói.

Nhà đầu tư trên chia sẻ, khi đã chọn chứng khoán làm nghề để sống, để kiếm thu nhập, anh luôn tâm đắc với câu nói của George Soros: “Bạn đúng hay sai, điều đó không quan trọng, cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”. Với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kinh nghiệm nhất cũng có thể sai lầm và quan điểm của họ chưa chắc đã đúng. Vì thế, đầu tư là hành trình học mãi chưa đủ, luôn phải khắt khe với quá trình tư duy và giả thuyết về thị trường của mình. Điều đó sẽ mang đến cho nhà đầu tư sự nhanh nhẹn và linh hoạt trong việc ra quyết định.

Tin bài liên quan