Dòng vốn lớn đua nhau “cập bến”
Ban quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ cho biết, trong tháng 9 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trị giá 269,1 triệu USD cho Công ty BYD Electronic (International) Company Limited (có địa chỉ tại Hồng Kông) xây dựng nhà máy điện tử BYD Việt Nam quy mô 26 ha tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ.
Giai đoạn I của nhà máy có công suất thiết kế trên 4,3 triệu chiếc máy tính bảng và 50 triệu lăng kính quang học, hiện đã bắt đầu thi công và sẽ đi vào sản xuất thử vào tháng 4/2022, sản xuất chính thức vào tháng 6/2022. Giai đoạn II có công suất thiết kế trên 10 triệu máy tính bảng/năm (tăng thêm 7 dây chuyền sản xuất, lắp ráp máy tính bảng) sẽ tiến hành thi công hoàn thiện nhà xưởng vào tháng 3/2023, sản xuất chính thức tháng 1/2024. Tổng số lao động thu hút của cả 2 giai đoạn khoảng 15.000 người.
Ngoài BYD Electronic, thời gian qua, không ít doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã lựa chọn các khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ để đặt cứ điểm sản xuất.
Nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao đã lựa chọn các khu công nghiệp tại Phú Thọ làm điểm đến, góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao.
Các doanh nghiệp hoạt động tại những khu công nghiệp đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho địa phương. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nộp thuế lớn như Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ (chiếm 90% số nộp của khu vực doanh nghiệp nhà nước ở địa phương). Khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nộp thuế lớn có Công ty TNHH Công nghệ Namuaga Phú Thọ, Công ty TNHH JNTC Vina, Công ty TNHH Hanyang Digitech, Công ty TNHH Almus Vina, Công ty TNHH Paldo Vina... Một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có mức đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn như CTCP CMC, CTCP Gạch men Tasa, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1...
Theo ông Nguyễn Ngọc Hanh, Giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ, đến hết tháng 6/2021, trong các khu, cụm công nghiệp mà đơn vị này được giao quản lý, đã có 167 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, bao gồm cả 87 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong đó, 131 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ổn định, 22 doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư, xây dựng cơ bản và 7 doanh nghiệp đang lắp đặt máy móc thiết bị, sản xuất thử, dự kiến cuối năm 2021 sẽ đi vào hoạt động ổn định.
Cũng trong nửa đầu năm, các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ đã đón thêm 1 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư 1.176 tỷ đồng; 4 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 39 triệu USD…
Ông Hanh cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp của tỉnh ước đạt 24.000 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ năm trước, đạt 48% so với kế hoạch năm 2021. Các doanh nghiệp cũng thực hiện nộp ngân sách nhà nước ước đạt 360 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu ước đạt 2.200 triệu USD, bằng 157% so với cùng kỳ năm trước.
“Doanh thu tăng so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2020 đã dần ổn định được thị trường, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tăng”, ông Hanh lý giải.
Đến nay, tổng số lao động tại các doanh nghiệp khu công nghiệp đạt trên 46.500 lao động, thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng/người/tháng, bằng 110% so với cùng kỳ năm trước.
Những thành tựu này đã tạo ra không gian kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh mẽ.
Phú Thọ đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là điểm đến. Trong ảnh: Ban Quản lý các KCN Phú Thọ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty BYD Electronic |
Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Ưu thế của tỉnh Phú Thọ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp là có vị trí giao thông thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng miền núi phía Bắc, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 50 km và tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố có môi trường đầu tư, hoạt động kinh tế sôi động gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang.
Nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao đã lựa chọn các khu công nghiệp tại Phú Thọ làm điểm đến, góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao.
Là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc), nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, những năm qua, Phú Thọ đã trở thành cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng. Hiện Phú Thọ có 7 khu công nghiệp, 25 cụm công nghiệp đã và đang được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với lợi thế vị trí địa lý kết nối thuận lợi với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Bên cạnh các khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư, Phú Thọ đã thu hút được 2 nhà đầu tư tư nhân xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phú Hà và Khu công nghiệp Cẩm Khê với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.208 tỷ đồng.
Đặc biệt, với dân số trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1,4 triệu người, trong đó tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế chiếm 57% dân số và tăng khoảng 1,2 - 1,4%/năm, có thể nói, Phú Thọ đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh và truyền nghề đạt 70%, năng suất lao động bằng 76% mức trung bình của cả nước, đứng thứ 4 trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Được biết, trong giai đoạn 1997 - 2001, Phú Thọ chỉ có một số dự án của doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2002 trở đi, các khu công nghiệp tại Phú Thọ bắt đầu thu hút các dự án FDI, trong đó tập trung vào ngành nghề dệt may, bao bì, vải bạt, vật liệu xây dựng.
Đã có nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao lựa chọn các khu công nghiệp Phú Thọ làm điểm đến, góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Đến nay, Phú Thọ có 2 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; 22 doanh nghiệp chế xuất…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hanh, trong những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, các thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng thường xuyên lắng nghe, quan tâm giúp đỡ, giải quyết triệt để những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án và sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Phú Thọ còn có chính sách hỗ trợ đầu tư về kết nối hạ tầng khu công nghiệp và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện nước tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, đường giao thông đến ngoài hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm, Phú Thọ xếp thứ hạng 22/63 tỉnh, thành phố của cả nước năm 2020, thuộc nhóm các địa phương có chỉ số khá.
Ban quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ cho biết, thời gian tới, cơ quan này đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa điện tử.
Đồng thời, tăng cường đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa bằng nhiều hình thức; ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh lựa chọn theo định hướng của tỉnh, phù hợp với tính chất từng khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp theo kế hoạch được giao, các công trình kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tam Nông, Khu công nghiệp Hạ Hòa. Công tác lập quy hoạch các khu công nghiệp mới được tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050.