Bến đỗ an toàn

Bến đỗ an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức trên con đường đa dạng hóa quan hệ kinh doanh tại châu Á.

Điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư Đức

Những dòng vốn đầu tư đầu tiên của Đức chảy vào Việt Nam ngay sau khi đất nước chính thức mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1992, Bültel (thương hiệu sản xuất thời trang cho các thương hiệu như Camel Active) đặt nhà máy tại Bình Dương. Cũng trong năm đó, Tatonka (một thương hiệu đồ dã ngoại) khai trương dây chuyền sản xuất ba lô tại TP.HCM. van Laack - nhà đầu tư Đức đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam với 100% các cơ sở sản xuất được đặt tại châu Á đã thành lập nhà máy vào năm 2002.

Các khoản đầu tư của Đức bắt đầu thực sự sôi động khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và được thúc đẩy thêm bằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015. Kể từ khi Đức và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược vào năm 2011, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế.

Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đã đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra 50.000 việc làm. Hơn 3/4 số dự án và 2/3 vốn đầu tư của Đức tại Việt Nam tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thuê ngoài kinh doanh hay gia công quy trình kinh doanh (BPO) và công nghệ thông tin, dịch vụ kỹ thuật, ngân hàng - bảo hiểm.

Trong suốt thời kỳ đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cho người dân và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam là “bến đỗ an toàn” cho các nhà đầu tư, bất chấp các khủng hoảng của thế giới, như xung đột thương mại Mỹ - Trung, Covid-19, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, cuộc chiến tại Ukraine và chiến lược Zero Covid tại Trung Quốc.

GDP của Việt Nam đã tăng 8,02% vào năm 2022. Mặc dù nhu cầu toàn cầu thấp, tỷ lệ lạm phát trên thế giới cao, Chính phủ Việt Nam vẫn có thể kiểm soát và điều chỉnh chính sách tài khóa để giảm bớt áp lực lạm phát. Nhờ vậy, các công ty Đức vẫn tự tin phát triển kinh doanh.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) Phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA Việt Nam)
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) Phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA Việt Nam)

Theo khảo sát Triển vọng Kinh doanh thế giới của AHK (AHK World Business Outlook) vào kỳ mùa thu năm 2022, có 86% công ty Đức tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (ở mức khả quan và tốt) và 83% sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào các nhà máy địa phương của họ tại Việt Nam vào năm 2023.

Kể từ năm 2016, AHK Việt Nam đã nhận được hơn 120 yêu cầu từ các công ty Đức đánh giá việc thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Hầu hết các công ty này đều đang có văn phòng đại diện hoặc có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. 21 doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn này, bao gồm Tesa, Kurz, Hartung, Fischer, Viessmann, Magnetec, Ziel Abegg. Kể từ ngày 15/3/2022, chúng tôi đã đồng hành cùng 20 công ty Đức tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây.

Dấu ấn đầu tư Đức tại Việt Nam

Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ cao nổi tiếng, bí quyết, kỹ năng quản lý của Đức, giáo dục và đào tạo nghề song hành, sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và hạn chế lãng phí vật liệu và tài nguyên.

Với các điều khoản đã được thống nhất trong EVFTA, Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền cơ bản của người dân tại nơi làm việc và môi trường. EVFTA là một cách tiếp cận tuyệt vời và là cơ sở để thực hiện quy hoạch tổng thể bền vững và áp dụng Đạo luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức, cũng như bảo vệ nhân quyền, môi trường và các nhà đầu tư nước ngoài.

Về đào tạo nghề song hành, năm nay, AHK Việt Nam kỷ niệm 10 năm triển khai hình thức đào tạo này theo tiêu chuẩn Đức cùng với Bosch Việt Nam, với thành tựu đào tạo và huấn luyện hơn 200 học viên học nghề cho ngành cơ khí công nghiệp và cơ điện tử. Đức là đất nước nổi tiếng với chương trình đào tạo nghề song hành trong nhiều thập kỷ và đây là một trong những vũ khí tiềm ẩn giúp tăng trưởng kinh tế. Do đó, AHK Việt Nam đã xuất khẩu và điều chỉnh mô hình này nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển đội ngũ lao động lành nghề và bền vững, cùng với các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phía Đức đã ký kết các hiệp định hợp tác năng lượng, thể hiện cam kết và hỗ trợ của Đức trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức, với tầm nhìn dài hạn, mong muốn hợp tác chặt chẽ và khăng khít với các nhà cung cấp địa phương, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 30% để có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư của Đức tạo ra tác động lan tỏa mà các doanh nghiệp địa phương có thể hưởng lợi từ các mối liên kết dọc này.

Ngày nay, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng toàn cầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Đức là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng ít carbon, kể từ năm 2000 với Energiewende (tạm dịch là Cách mạng Năng lượng), sau đó là Luật Năng lượng tái tạo và Đạo luật Thẩm định chuỗi cung ứng kể từ năm 2023.

Do đó, các nhà đầu tư Đức có thể dẫn đầu xu hướng chuyển đổi xanh, từ đó giúp các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc tận dụng hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp Đức là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn chế. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu hướng thị trường toàn cầu.

Với sứ mệnh thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Đức và Việt Nam, AHK Việt Nam đã tạo ra các nền tảng để kết nối và phát triển các doanh nghiệp Đức và Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ các công ty chuyển đổi thành công từ phạm vi quốc gia lên tầm quốc tế. Chúng tôi xây dựng cầu nối, tạo điều kiện tiếp cận, cung cấp địa chỉ liên hệ và giải quyết vấn đề. Chúng tôi là Đối tác toàn cầu và Đối tác tại Việt Nam dành cho các doanh nghiệp Đức sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hoặc đã thiết lập sự hiện diện trên thị trường quốc tế từ nhiều thập kỷ trước.

Đặc biệt, chúng tôi cung cấp rất nhiều dịch vụ mang thương hiệu Deinternational, bao gồm nghiên cứu thông tin thị trường, thâm nhập thị trường, phát triển kinh doanh, Vườn ươm doanh nghiệp Đức - một hệ sinh thái dành cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ tư vấn triển khai Đạo luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức tại Việt Nam, hệ thống đào tạo song hành và giáo dục nâng cao theo tiêu chuẩn Đức, quy trình di cư công bằng cho các chuyên gia và lực lượng lao động lành nghề của Việt Nam, tham gia hội chợ thương mại, truyền thông, sản xuất ấn phẩm cũng như quản lý sự kiện và phái đoàn.

Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh

Một cơ cấu mới cho nguồn năng lượng của Việt Nam với tỷ trọng năng lượng sạch tăng sẽ được triển khai. Chính phủ Việt Nam đang tạo ra môi trường thuận lợi hơn và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm các nguồn thủy điện tự nhiên, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Quan trọng hơn, năng lượng xanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư Đức và quốc tế trong tương lai.

Tin bài liên quan