Trung tâm Thành phố mới Bình Dương

Trung tâm Thành phố mới Bình Dương

Becamex IDC muốn tăng gấp đôi vốn điều lệ và giá trị vốn hóa trên sàn, Chủ tịch HĐQT liên tiếp mua vào để đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, ông Nguyễn Văn Hùng liên tiếp đăng ký mua vào cổ phiếu BCM với lý do đầu tư cá nhân, khi giá cổ phiếu BCM giảm sâu so với vùng giá tích lũy trong nửa đầu năm.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC- mã BCM) ông Nguyễn Văn Hùng đã đăng ký mua 70.000 cổ phiếu BCM vào ngày 27/11, khi giá cổ phiếu giảm về khoảng 57.000 đồng/cổ phiếu là vùng đáy thấp đã thiết lập trong tháng 10 và ngay đầu tháng 11.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp, ông Nguyễn Văn Hùng đăng ký mua vào cổ phiếu BCM với lý do đầu tư cá nhân, khi giá cổ phiếu BCM đã giảm đáng kể so với mức giá trên 80.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tổ chức ĐHCĐ thường niên cuối tháng 6, cũng như giá vào đầu năm nay.

Hai lần trước ông Nguyễn Văn Hùng đăng ký mua 70.000 cổ phiếu BCM bắt đầu từ ngày 9/10 và sau khi mua đủ số lượng đã tiếp tục mua lần 2 trong tháng 11. Nếu ông Hùng hoàn thành mua lần thứ 3 này sẽ nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 6,219 triệu cổ phiếu BCM.

Ngày 30/11 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương quy mô 18,9 ha đất tại Thành phố Thủ Dầu Một cho Capital Land với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng.

Trước đó tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào tháng 6, HĐQT Becamex IDC cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phát triển trung tâm đô thị thành phố mới Bình Dương hoàn chỉnh, phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2023-2028, Tổng công ty dự kiến tăng vốn lên từ 20 - 30 nghìn tỷ đồng và phấn đấu mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt từ 7 - 10 tỷ USD. Hoạt động của BCM sẽ mở rộng từ 11 tỉnh thành hiện nay thêm 9 tỉnh thành nữa, nâng tổng số lên 20 tỉnh thành.

“Nhiệm vụ tăng vốn điều lệ lên 20 -30 nghìn tỷ đồng và vốn hóa từ 7 -10 tỷ USD phấn đấu trong nhiệm kỳ này đạt được”, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC chia sẻ với cổ đông. Nhiệm kỳ HĐQT đương nhiệm của Becamex IDC là từ năm 2023 đến năm 2028.

Hiện tại, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng, giá cổ phiếu quanh 65.000 đồng/cổ phiếu thì giá trị vốn hóa tương đương 67 nghìn tỷ đồng, khoảng hơn 3 tỷ USD, thấp hơn vốn hóa thời điểm diễn ra ĐHCĐ là 83 nghìn tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính quý III vừa qua, Becamex IDC có nguồn để tăng vốn điều lệ nằm ở khoản lợi nhuận sau thuế hơn 4.830 tỷ đồng. Đến cuối năm nay, sau khi hoàn tất chuyển nhượng dự án 18,9 ha cho Capital Land, Becamex IDC có thể hạch toán thêm hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trên doanh thu 5.085 tỷ đồng, nâng lợi nhuận sau thuế tích lũy lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý là chuyển nhượng thành công dự án này giúp BCM cải thiện hệ số nợ, trở lại mức bình thường với nợ ròng/vốn chủ sở hữu là 78,0% và nợ ròng/EBITDA là 4,1 lần.

Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng, cổ đông nhà nước muốn bán vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại Becamex IDC từ 96% hiện nay xuống 50% để huy động vốn đầu tư phát triển quỹ đất lớn hiện có của công ty. Phía Becamex IDC cũng cho biết, mục tiêu vốn hóa đạt 7 - 10 tỷ USD nếu được sự chấp thuận của Chính phủ thì có khả năng đạt được cao.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của BCM được xem là triển vọng bởi lợi nhuận có khả năng tăng trưởng khi các dự án lớn đi vào hoạt động.

Theo công ty chứng khoán Phú Hưng, Công ty Liên doanh TNHH Việt Nam Singapore (VSIP) mà BCM đang sở hữu 49% vốn, đang mở rộng các khu công nghiệp sang các tỉnh khác khá nhanh. Trọng điểm chính là dự án sẽ triển khai ở Bình Thuận với diện tích gần 5.000 ha. VSIP đã bắt đầu cho thuê dự án VSIP III với những khách hàng đầu tiên, trong đó lớn nhất chính là nhà máy Lego với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đô la. Lego thuê 44 ha đất ở VSIP III và đã tiến hành xây dựng vào tháng 3 vừa qua. Với giá thuê khoảng 120 USD/m2 thì doanh thu mang lại sẽ là 1.250 tỷ đồng và lợi nhuận cho BCM tương ứng là hơn 300 tỷ đồng.

Còn Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng tại các xã Lai Hưng và Lai Uyên, huyện Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương, có diện tích hơn 2.000 ha (khoảng 1.000 ha đất phát triển công nghiệp và 1.000 ha đất dịch vụ, đô thị), hiện tại, đã được mở rộng sang giai đoạn 2, với diện tích tăng thêm 1.000 ha.

Tuần qua, Khu công nghiệp Cây Trường, một dự án trọng điểm của Becamex IDC đã được tỉnh Bình Dương thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000. Khu công nghiệp Cây Trường nằm cạnh các khu công nghiệp Bàu Bàng và Bàu Bàng mở rộng, có diện tích thương phẩm là 490 ha và tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỷ đồng và nhắm đến khách thuê từ nhiều ngành khác nhau, ước tính đem lại doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm đầu tiên cho thuê.

Thêm vào đó, Công ty Phát triển Công nghiệp BW, công ty liên kết của Becamex IDC, sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ năm nay. Ước tính BW có hơn 2,2 triệu tổng diện tích sàn đã hoàn thành và đang trong quá trình xây dựng và khoảng 60-70% tổng quỹ đất chưa được triển khai, cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của BW.

Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết đóng góp hơn 1 nửa vào tổng lợi nhuận sau thuế của BCM hàng năm trong đó phần lớn là tới từ VSIP.

Becamex IDC có quỹ đất phát triển khu công nghiệp lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành ở khu vực phía Nam, với 7 khu công nghiệp quy mô trên 5.000 ha, chiếm 35-40% tổng quỹ đất công nghiệp của Bình Dương. Becamex IDC cùng các công ty liên doanh liên kết sở hữu hơn 15.000 ha quỹ đất khu công nghiệp tại Việt Nam, chiếm khoảng 25% diện tích công nghiệp đưa vào hoạt động của Việt Nam. Tổng công ty này cũng sở hữu gần 1.000 ha đất thương phẩm tại Thành phố mới Bình Dương và 1.000 ha đất dịch vụ đô thị tại khu công nghiệp Bàu Bàng, cung cấp sản phẩm nhà ở đa dạng phân khúc từ bình dân đến trung cao cấp với giá thành hợp lý nhờ giá vốn thấp.

Tin bài liên quan