Năm 2019, BHC đặt kế hoạch lãi 0,5 tỷ đồng sau khi 8 năm trước đó liên tiếp thua lỗ.

Năm 2019, BHC đặt kế hoạch lãi 0,5 tỷ đồng sau khi 8 năm trước đó liên tiếp thua lỗ.

Bê tông Biên Hòa (BHC) lụi tàn vì chiến lược sai lầm

(ĐTCK) Ngay trước thời điểm đưa cổ phiếu BHC lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 15/5/2009, Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa đã quyết định chiến lược mở rộng kinh doanh. Lựa chọn chiến lược bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, nhất là ngành bất động sản, phải sử dụng vốn vay lớn với lãi suất cao, lên sàn nhưng không huy động được vốn mới, khiến BHC liên tục thua lỗ.

Lên sàn: tham vọng tăng trưởng và thực tế

Tiền thân của Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa là Nhà máy trụ điện Biên Hòa, được thành lập năm 1968. Tháng 1/1/2000, Công ty được thành lập (sau quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại) với mức vốn 15 tỷ đồng. Đến đầu năm 2007, vốn điều lệ của BHC được nâng lên 22,496 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia thưởng cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển. Cuối năm 2007, BHC tăng vốn lên 45 tỷ đồng thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Tổng công ty Xây dựng số 1.

Ở thời điểm nộp hồ sơ niêm yết ngày 11/11/2008, BHC có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Xây dựng số 1 (sở hữu 38,18% vốn điều lệ) và Nguyễn Thị Xuân Lan (sở hữu 6,97% vốn điều lệ). Mức vốn điều lệ 45 tỷ đồng của BHC được duy trì từ năm 2007 đến nay.

Tại bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu BHC, Công ty dự kiến kế hoạch kinh doanh cho năm 2009 là doanh thu 185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng; năm 2010 là doanh thu 255 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,6 tỷ đồng; chia cổ tức mỗi năm 16% vốn điều lệ.

Thực tế, BHC thực hiện tương đối sát sao kế hoạch doanh thu, nhưng con số lợi nhuận thấp xa kế hoạch. Năm 2009, Công ty lãi chưa đến 200 triệu đồng, năm 2010 lãi 5,8 tỷ đồng. Các năm sau đó, Công ty liên tục thua lỗ, trong đó năm 2017 lỗ 37,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2017 âm 66,38 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, nhiều cổ đông BHC ngao ngán nói: “Công ty cổ phần hóa được 18 năm, nhưng chỉ 2 năm có cổ tức”, “Thấy rất buồn, số lỗ quá lớn”…

Bản thân cổ đông lớn của BHC tỏ ra bất lực với tình trạng ngày càng bê bết của Công ty khi cho biết: “Tổng công ty đã điều người về mấy lượt, nhưng chưa có kết quả như mong muốn; thậm chí, điều cả Phó tổng giám đốc Tổng công ty về để vực dậy Công ty, nhưng cũng không đạt kỳ vọng”.

Năm 2018, Tổng công ty Xây dựng số 1 cử ông Nguyễn Văn Sơn về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị BHC; người được giới thiệu là có năng lực, kinh nghiệm đã vực dậy Công ty Mê Kông từ thua lỗ triền miên đến làm ăn có hiệu quả, có cổ tức. Năm 2018, BHC lỗ thêm 13,6 tỷ đồng.

Bê tông Biên Hòa (BHC) lụi tàn vì chiến lược sai lầm ảnh 1

 Doanh thu, lợi nhuận của BHC giai đoạn 2006 - 2018 (Đơn vị: tỷ đồng).

Vì đâu thua lỗ kéo dài?

Cuối năm 2008, năm trước khi chào sàn, BHC có dư nợ phải trả 41,4 tỷ đồng, trên tổng tài sản 92,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 44,6%, tương đối an toàn với một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan đến các dự án bất động sản, công trình. Con số nợ phải trả này giảm mạnh so với mức 100,7 tỷ đồng nợ ngắn và dài hạn thời điểm cuối năm 2017. Trong năm 2018, quy mô đầu tư của BHC còn khiêm tốn, tổng mức đầu tư tài sản cố định hơn 13 tỷ đồng.

Sang năm 2009, BHC đầu tư ồ ạt tài sản cố định, nâng tổng giá trị tài sản cố định theo nguyên giá ban đầu (gồm hữu hình và vô hình) lên mức 130 tỷ đồng, bao gồm 108 tỷ đồng nguyên tài sản cố định hữu hình (khấu hao đến cuối năm 2009 là 42,1 tỷ đồng), 22 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định vô hình (khấu hao năm 2009 là 458 triệu đồng).

Đầu tư lớn vào máy móc, phương tiện vận tải, BHC đương nhiên cũng tăng khoản phải thu khách hàng theo mỗi công trình. Vốn chủ sở hữu tăng không đáng kể, nhưng quy mô hoạt động tăng mạnh khiến dư nợ phải trả của BHC tăng cao.

Nợ phải trả của BHC cuối năm 2009 là 127,5 tỷ đồng, cuối năm 2010 là 165 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, dù Công ty đẩy mạnh việc chuyển áp lực dòng tiền cho bên thứ ba thông qua việc chiếm dụng vốn nhà cung cấp. Lưu ý, giai đoạn 2009 - 2010 là khoảng thời gian lãi suất ngân hàng biến động mạnh.

Mở rộng kinh doanh dựa vào đòn bẩy tài chính, đúng lúc kinh tế khó khăn khiến BHC dù tăng được quy mô doanh thu, nhưng áp lực dòng tiền và các vấn đề liên quan đến cạnh tranh dẫn đến chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, các khoản trích lập dự phòng bắt đầu tăng mạnh. Lãi năm 2009 của BHC chỉ ở mức… thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác; năm 2010, lợi nhuận tăng trở lại, sau đó liên tiếp thua lỗ.

Năm 2009, chi phí lãi vay phải trả của BHC là 5,35 tỷ đồng, chi phí này năm 2010 lên tới 12,425 tỷ đồng. Đến năm 2013, Công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi 14,6 tỷ đồng. Năm 2017, BHC phải trích lập thêm 16 tỷ đồng dự phòng, khiến tình trạng tài chính của Công ty càng trở nên khó khăn hơn. 

Sai lầm từ câu chuyện tài chính

Thua lỗ nặng, BHC đã phải hủy niêm yết và chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Giá cổ phiếu BHC từng đạt mức 23.000 đồng/cổ phiếu thời điểm mới chào sàn, hiện nay chỉ còn 2.300 đồng/cổ phiếu và không có người mua. Điều này cũng dễ hiểu, khi Công ty đang bị âm vốn chủ sở hữu ở mức cao.

BHC đầu tư lớn đúng vào giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, để rồi chịu áp lực lãi vay lớn, nợ xấu cao. Ngoài yếu tố khách quan, Ban lãnh đạo BHC đã đưa ra chiến lược đầu tư quá mạo hiểm. Báo cáo tài chính cuối năm 2009 của BHC cho thấy, Công ty đã sử dụng 72 tỷ đồng tiền vay ngắn và dài hạn để bù đắp phần lớn khoản đầu tư cho tài sản cố định hữu hình và vô hình. Các khoản vay này được thực hiện khi lãi suất tăng cao và hoạt động kinh doanh bắt đầu khó khăn.

BHC lên niêm yết, nhưng không tận dụng được cơ hội huy động vốn trên sàn, vốn là một trong những ý nghĩa lớn của thị trường chứng khoán khi được đưa vào hoạt động. Suốt hơn 10 năm, BHC duy trì mức vốn điều lệ 45 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với quy mô đầu tư tài sản cố định của Công ty. Những năm gần đây, BHC đã giảm được áp lực nợ nần, nhưng nợ xấu vẫn theo đuổi, nhấn chìm những nỗ lực tạo nguồn thu.

Bất ngờ báo cáo tài chính BHC

 Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2017, BHC hạch toán lỗ lũy kế 113 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 66,381 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2017. Báo cáo kiểm toán cũng cho thấy, đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam đưa ra một vấn đề ngoại trừ và một vấn đề nhấn mạnh. Theo đó, ý kiến ngoại trừ của kiểm toán là BHC chưa trích lập dự phòng đầy đủ các khoản phải thu khó đòi cho các khoản phải thu khách hàng số tiền 2,27 tỷ đồng. Nếu hạch toán khoản này, lợi nhuận của BHC sẽ giảm tương ứng và lỗ lũy kế tăng tương ứng. Khoản nhấn mạnh liên quan đến khả năng hoạt động của BHC là rất mong manh.

Năm 2018, báo cáo tài chính BHC đưa ra một diện mạo rất khác. Theo đó, lỗ lũy kế được phản ánh đến cuối năm 2017 là 56,589 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn âm 9,968 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2018, BHC có vốn chủ sở hữu 80 tỷ đồng, lỗ lũy kế 126,63 tỷ đồng.

Báo cáo năm 2018 của BHC được kiểm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Việt Nam (AASCN). Báo cáo kiểm toán do AASCN ký có ý kiến kiểm toán trái ngược cho biết, đến ngày 31/12/2017, BHC chưa trích lập dự phòng đầy đủ khoản thu khó đòi cho các khoản phải thu ước 51,07 tỷ đồng (trong đó, dự phòng phải thu công ty con là Công ty TNHH MTV An Hòa BCC 48,8 tỷ đồng). Năm 2018, BHC thực hiện sáp nhập công ty con duy nhất là An Hòa BCC vào công ty mẹ.