Theo thông tin tìm hiểu được của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhà đầu tư Blenheim Vietnam thuộc Tập đoàn Blenheim được UBND TP. Hà Nội cho phép nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư Dự án Thành phố công nghệ Xanh Hà Nội theo quyết định tại Công văn số 4363/UBND-KH&ĐT ngày 18/5/2009.
Theo đó, dự án có diện tích lên tới 141 ha (trong đó diện tích đất thực hiện dự án khoảng 115 ha), tổng vốn đầu tư khoảng 872 triệu USD. Vị trí dự án ban đầu thuộc địa phận xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm và mở rộng thêm một phần diện tích đất của phường Vạn Phúc, quận Hà Đông.
Dự án từng được đặt nhiều kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ mang tới diện mạo mới ở khu vực Tây Nam Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án đã phải tạm dừng. Một trong các nguyên nhân là một phần lớn diện tích dự kiến lập quy hoạch ban đầu nằm trong phạm vi quy hoạch Vành đai xanh sông Nhuệ, dẫn tới việc sau đó dự án đã phải tiến hành lập quy hoạch lại, giảm về diện tích và quy mô đầu tư.
Cho đến ngày 24/12/2014, Công ty TNHH Thành phố công nghệ xanh Hà Nội (công ty đại diện pháp luật với chủ sở hữu Blenheim Vietnam) được thành lập, và cùng ngày, UBND TP. Hà Nội cũng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011043002736. Tới ngày 23/11/2015, TP. Hà Nội chấp thuận Quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án sau khi đã được quy hoạch lại theo Quyết định số 6321/QĐ- UBND ngày 23/11/2015.
Trong đó, tại quy hoạch mới, dự án có diện tích khoảng 57,5 ha, với quy mô dân số khoảng 4.000 người. Quy mô của dự án: Phía Đông Bắc giáp hành lang bảo vệ sông Nhuệ; phía Tây Bắc giáp tuyến đường liên khu vực sông Nhuệ; phía Đông Nam giáp tuyến đường quy hoạch và đường Tố Hữu; phía Tây Nam giáp đường 70.
Về cơ cấu sử dụng đất, đất công cộng thành phố và khu vực có tổng diện tích khoảng 19.684 m2; đất cây xanh đơn vị ở có tổng diện tích khoảng 17.071 m2; đất đường phân khu vực có tổng diện tích khoảng 45.632 m2; đất nhóm nhà ở sinh thái có tổng diện tích khoảng 266.616 m2; đất tôn giáo, tín ngưỡng có diện tích khoảng 1.490 m2.
Các tuyến đường quan trọng bao quanh dự án gồm: Các tuyến đường Tố Hữu, đường 70 và tuyến đường 40 m ở phía Tây. Các điểm nhấn là các ô đất công cộng thành phố và khu vực, có vị trí tạo lập không gian và khống chế không gian chung cho toàn bộ khu vực, được kết nối với hướng giao thông chính, không gian cây xanh và mặt nước cảnh quan khu vực.
Những tưởng sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, dự án sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành triển khai. Tuy nhiên, một lần nữa, Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội lại lỗi hẹn bởi những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là 57,5 ha, trong đó có tới hơn 43,9 ha là đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân và hơn 13,4 ha là đất do UBND các phường trong khu vực quản lý.
Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi thuộc 2 tổ dân phố số 1 và số 2 Ngọc Trục, phường Đại Mỗ. Căn cứ vào bảng giá đất nông nghiệp trồng lúa nước và trồng cây hàng năm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND, giá đất bồi thường phía bờ Đông (bên tả) sông Nhuệ thuộc quận Nam Từ Liêm thời điểm đó là 252.000 đồng/m2, phía bờ Tây (bên Hữu) sông Nhuệ thuộc quận Nam Từ Liêm là 201.600 đồng/m2.
Trong khi đó, so sánh với mặt bằng giá hiện nay ở các dự án cùng khu vực, nếu triển khai thành công, giá chung cư không dưới 20 triệu đồng/m2; đất nền, biệt thự liền kề có giá dao động trung bình từ 60 - 90 triệu đồng/m2. Chính vì lý đó khiến cho nhiều người dân không đồng tình với mức giá bồi thường mà Ban giải phóng mặt bằng quận Nam Từ Liêm đưa ra và không chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Hồi tháng 7/2018, nhiều cử tri đã đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép người dân và chủ đầu tư dự án được thỏa thuận giá bền bù hỗ trợ tại dự án Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội. Tuy nhiên, do phương án không được thông qua, nên đến nay dự án vẫn tiếp tục bất động.
Báo Đầu tư Bất động sản đang liên hệ với chủ đầu tư dự án để tìm hiểu phương án gỡ bí và thông tin đến bạn đọc.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com