BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng năm 2021, tăng hơn 40% so với năm 2020.

BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng năm 2021, tăng hơn 40% so với năm 2020.

Bệ phóng lợi nhuận ngân hàng 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng tự tin đặt chỉ tiêu lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm nay dù tăng trưởng tín dụng được ngành xây dựng theo 3 kịch bản, với kịch bản thấp nhất chỉ 8%.

Bước đệm từ 2020

Năm 2020, Vietcombank ghi nhận hợp nhất 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019. Chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) lần lượt đạt 1,42% và 20,48%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết, năm 2020 là lần đầu sau 5 năm Ngân hàng không tăng trưởng về lợi nhuận.

“Năm qua, Vietcombank giảm lãi suất vay 3.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vẫn tương đương năm 2019 là kết quả cực tốt”, ông Thành nói.

Tại MB, lợi nhuận hợp nhất năm qua đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019; trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 9.698 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với năm trước, cao hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu. ROE và ROA của MB nằm trong Top 5 của ngành, trong đó ROE đạt 18,66%.

Năm 2020, ACB báo lãi trước thuế 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2019.

OCB cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4.400 tỷ đồng và mục tiêu của Ngân hàng trong năm nay là tăng trưởng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, trong một năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch như 2020, các ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh rất tích cực. Trên nền tảng ấy, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 được nhiều ngân hàng đặt ra tăng trưởng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục tác động lên tín dụng.

Theo ước tính của SSI Research, thu nhập lãi thuần của ngân hàng 2021 sẽ cao hơn 15% so với năm 2020, trong khi tín dụng tăng 12 - 13%.

Theo ước tính của SSI Research, thu nhập lãi thuần của ngân hàng 2021 sẽ cao hơn 15% so với năm 2020, trong khi tín dụng tăng 12 - 13%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện. NIM trung bình năm 2021 sẽ tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm nay cũng tiếp tục tăng khoảng 8,7% so với năm 2020 do thu nhập thuần từ phí phục hồi, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ.

Đối với năm 2021, do kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, nợ xấu mới sẽ giảm so với năm trước. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có thể hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này, vì đã xóa phần lớn tài sản có vấn đề (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm 2020.

SSI Research cũng ước tính, chi phí tín dụng cho ngân hàng thương mại quốc doanh và tư nhân trong năm 2021 lần lượt là 1,36% và 1,57% (so với 1,67% và 1,63% của năm 2020).

Lợi nhuận ngân hàng năm nay được dự đoán tăng tốt và tiếp tục khả quan nhờ điểm sáng từ tăng trưởng tín dụng xuất khẩu, đầu tư công, chi phí đầu vào giảm.

Cùng chung đánh giá tích cực, các chuyên gia VNDirect giả định, nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi của kinh tế Việt Nam, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong năm 2021. VNDirect đưa ra dự báo năm 2021, tín dụng tăng trưởng khoảng 13 - 14% so với năm 2020.

Đặt mục tiêu cao cho năm 2021

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của ACB đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên 27.000 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 trên 10.600 tỷ đồng.

VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 26%, đưa tài sản của Ngân hàng lên trên 300.000 tỷ đồng. Về dư nợ tín dụng, tùy thuộc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, VIB đặt mục tiêu đưa dư nợ tín dụng lên 225.000 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 31% - mức tăng trưởng khả thi trên cơ sở năng lực nội tại; huy động vốn đạt 235.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng của tín dụng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của VIB tăng trưởng 29%, lên trên 7.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 70% so với năm trước, đạt hơn 5.500 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết, đã chính thức khép lại quá trình sáp nhập Habubank trong năm 2020, cơ bản hoàn tất các tồn đọng cũ.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của BIDV cũng được thông qua tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 12/3/2021 với mục tiêu 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.

Cơ sở để BIDV đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận mạnh mẽ so với năm ngoái, theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng, trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các khoản thu ngoài lãi vay, tăng khoảng 16 - 17%; thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ đồng và tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Năm 2020, BIDV đã gia tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và đây cũng là mục tiêu dài hạn của Ngân hàng. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng CASA lên tối thiểu 16%.

Cũng theo ông Lâm, trích lập dự phòng năm nay của BIDV mục tiêu khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng một chút so với năm 2020 do môi trường kinh doanh bất định bởi dịch Covid-19.

Với Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 12% so với năm 2020, tương ứng 25.200 tỷ đồng. Với chỉ tiêu tổng tài sản, mục tiêu là tăng trưởng 6% so với năm 2020. Còn với nguồn vốn, chỉ tiêu huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân tăng 8%, tín dụng tăng khoảng 12%.

Ngân hàng cùng nhóm “Big4” là Vietinbank lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 10 - 20% trong 2021, tổng tài sản tăng khoảng 3 - 6%, tín dụng tăng 8 - 11%, huy động vốn tăng 10 - 12%, nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Năm nay, MSB lên kế hoạch lãi trước thuế 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020. Chỉ tiêu tổng tài sản tăng 8%, lên 190.000 tỷ đồng; vốn huy động (thị trường I và trái phiếu) tăng 15%, trong khi dư nợ tín dụng (gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 25%; mục tiêu nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của MSB ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng trên 9%, đạt xấp xỉ mức phê duyệt của NHNN trong năm nay. Tỷ trọng thu nhập từ lãi đạt khoảng 85% và thu ngoài lãi khoảng 33,8%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 9,9% và nợ xấu dưới 2%.

Theo ông Linh, quý I thường là quý có lợi nhuận thấp nhất trong năm, nhưng với diễn biến tích cực như trong quý đầu năm, MSB sẽ hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm nay.

Cũng theo ông Linh, MSB là một trong những ngân hàng chịu ít tác động nhất bởi dịch Covid-19 với dư nợ quá hạn cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 ở mức thấp, việc thoái lãi theo quy định của Thông tư 01 chỉ ở mức 42 tỷ đồng.

NHNN vừa ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 phần nào giúp các ngân hàng giảm áp lực tài chính khi kéo dài thời gian trích lập dự phòng trong 3 năm.

Tuy nhiên, để tránh một cú sốc “lợi nhuận” diễn ra tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó và áp lực trích lập dự phòng giữa các ngân hàng là khác nhau.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư tại Dragon Capital, nợ xấu của ngân hàng hiện không phải là điều quá lo ngại, bởi các nhà băng đã tăng trích dự phòng rủi ro. Chẳng hạn, Vietcombank có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu rất cao nên khi nợ xấu được xử lý thậm chí ngân hàng còn được hoàn nhập dự phòng.

Tin bài liên quan