Lợi nhuận bán niên tăng trưởng mạnh
Trong quý II, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 6.285,9 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2018. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,3% so với cùng kỳ lên mức 37,8%. Kết quả, FPT thu về 2.578,1 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 28,9% so với quý II/2018.
Dù các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng đồng loạt tăng theo doanh thu nhưng lợi nhuận gộp quý II/2019 tăng nhanh hơn giúp lợi nhuận trước thuế đạt 1.178,6 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế quý II/2019 đạt 986,1 tỷ đồng, trong đó phần giành cho cổ đông công ty mẹ đạt 791,7 tỷ đồng, tăng trưởng 33,2%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 12.492,4 tỷ đồng, tăng 22,2% so với nửa đầu năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 2.139 tỷ đồng, tăng 26,8%. Đóng góp chủ yếu vào kết quả tích cực của Tập đoàn là 2 khối viễn thông và công nghệ, trong đó lợi nhuận trước thuế khối công nghệ tăng 44,4% so với cùng kỳ. Thị trường nước ngoài tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với 4.932 tỷ đồng doanh thu và 742 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 37,8% và 39,5%.
Lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng đạt 1.780 tỷ đồng, trong đó phần giành cho cổ đông công ty mẹ là 1.418 tỷ đồng, tăng 28,5% so cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.097 đồng, tăng 28,0%. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 5,9% và 11,3%.
Cơ cấu tài chính tiếp tục chuyển dịch tích cực
Bên cạnh doanh thu lợi nhuận duy trì tăng trưởng, biên lợi nhuận cải thiện, cơ cấu tài chính của FPT cũng tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tính đến cuối tháng 6/2019, Tập đoàn có tổng tài sản đạt 30.376 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, đạt 8.973 tỷ đồng, tương đương 29,5% tổng tài sản.
Mặc dù doanh thu tăng đến 22,2% nhưng các khoản phải thu hầu như không tăng trong khi hàng tồn kho chỉ tăng 12,5% cho thấy chất lượng doanh thu của FPT rất tốt. Điều này cũng phần nào thể hiện qua việc dòng tiền hoạt động kinh doanh nửa đầu năm thặng dư 900 tỷ đồng.
Trong cơ cấu vốn đến cuối tháng 6/2019, FPT đang có 7.751 tỷ đồng nợ vay, chủ yếu là các khoản nợ vay ngắn hạn (96,3%). Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản khá an toàn ở mức 24,8%.
Như vậy, so với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà Tập đoàn đang sở hữu, số dư tiền của FPT còn đang lớn hơn tổng nợ vay phải trả. Đây sẽ là yếu tố quan trọng một mặt giúp đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư trong nửa cuối năm.
Cấu trúc nguồn vốn tốt, lượng tiền dự trữ dồi dào là yếu tốt đảm bảo nguồn lực để FPT tiếp tục đầu tư, tạo động lực duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dư địa tăng trưởng của ngành công nghệ, viễn thông đang còn rất lớn, nhất là ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số.
“Trận chiến” hàng nghìn tỷ USD
Từ năm 2019, FPT đã bắt đầu chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Tại đại hội đồng cổ đông 2019, FPT chính thức công bố bẻ lái chiến lược với tầm nhìn trong 10 năm tới lọt Top 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Mục tiêu gần hơn là đến năm 2021 đạt 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ.
Trao đổi với các nhà đầu tư chứng khoán, lãnh đạo FPT cho biết, với tốc độ tăng trưởng của khối công nghệ luôn đạt trên 20%/năm như hiện nay, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. Tính trên biên lợi nhuận lĩnh vực này đạt xấp xỉ 13%, riêng khối công nghệ có thể đem lại 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho FPT.
Bẻ lái sang chuyển đổi số, FPT đang có thị trường rộng lớn với tập khách hàng là các tập đoàn toàn cầu. Theo dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT.
Mới đây, FPT là một trong 5 đối tác đầu tiên trên thế giới (4 tập đoàn khác gồm IBM, Accenture, Capgemini và Sopra Steria) cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng Skywise, mở đường cho quá trình tăng tốc chuyển đổi số của ngành hàng không toàn cầu. Trong lĩnh vực bán lẻ, FPT đã cùng với Toshiba giúp Takashimaya Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Takashimaya – Tập đoàn sở hữu hệ thống trung tâm thương mại lâu đời nhất Nhật Bản) chuyển đổi số, tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Không chỉ có thêm những cơ hội mới, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ mảng dịch vụ chuyển đổi số mang lại 1.654 tỷ đồng cho FPT, tăng 40,9% so với cùng kỳ, đóng góp 34% tổng doanh thu của khối Công nghệ tại thị trường nước ngoài (tỷ trọng này trong 6 tháng đầu năm 2018 là 33%).
Đây rõ ràng là một trong những mảng dịch vụ trọng tâm giúp FPT bứt phá trong giai đoạn tới.
Năm 2019, FPT đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt 15% và 16% so với năm 2018, tương ứng 26.660 tỷ đồng và 4.460 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, có thể tin tưởng, kế hoạch năm của tập đoàn là trong tầm tay.
Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu FPT vẫn đang trong xu hướng tăng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 7, đạt 47.800 đồng/cp, tăng 30,2% tính từ đầu năm, bỏ xa mức tăng 10,5% của VN-Index.