Nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế
Thông tin từ nhiều tổ chức tín dụng cho thấy dư nợ cho vay tăng trưởng mạnh ngay trong quý đầu năm.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, quý I/2025, dư nợ cho vay của Ngân hàng ước tính tăng hơn 3%, huy động vốn tăng trên 2%.
Nam A Bank cho biết, tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Tại NCB, cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 6.800 tỷ đồng.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB chia sẻ, tăng trưởng tín dụng quý đầu năm của nhà băng này đạt xấp xỉ 3%, tương đối tốt so với toàn ngành.
Đáng chú ý, tại Vietcombank - “anh cả” của hệ thống ngân hàng, theo Phó tổng giám đốc Hồ Văn Tuấn, ngay từ đầu năm, Ngân hàng đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức tối đa. Đây là chỉ tiêu trọng yếu, bên cạnh chỉ tiêu về kiểm soát chất lượng tín dụng theo định hướng an toàn, hiệu quả. Theo đó, đến hết ngày 24/3/2025, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt mức tăng trưởng 2,4% so với đầu năm.
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank thông tin, nhằm thực hiện cam kết quy mô dư nợ tăng thêm khoảng 220.000 tỷ đồng trong năm 2025 (tương đương mức tăng trưởng 14%), ngay từ đầu năm, Agribank đã xây dựng kế hoạch kinh doanh trình NHNN, đồng thời chủ động giao kế hoạch kinh doanh cho các chi nhánh trực thuộc từ tháng 1.
“Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đồng hành, chia sẻ, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025”, ông Ngọc nói.
Agribank đã chủ động kiểm soát lãi suất huy động ở mức thấp, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động; giảm lãi suất cho vay; niêm yết công khai lãi suất huy động, cho vay và bình quân định kỳ hàng tháng trên website của Ngân hàng (kỳ tháng 2/2025, lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu 4,8%/năm, lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,0%/năm, trung dài hạn tối thiểu 6,0%/năm, thấp nhất thị trường).
“Trong 3 tháng đầu năm 2025, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2 - 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay ngắn hạn. Ngân hàng triển khai đồng thời ngay từ đầu năm 12 chương trình cho vay ưu đãi quy mô trên 360.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank”, ông Ngọc cho biết.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, diễn biến trên cho thấy đóng góp tích cực của ngành ngân hàng trong thời gian qua vào tổng đầu tư toàn xã hội. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vĩ mô để điều hành tín dụng, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phối hợp chặt chẽ các chính sách
Bối cảnh vĩ mô tích cực trong quý I/2025 đã kích thích nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, giúp tín dụng khởi sắc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, những thông tin bất ngờ, gây sốc về chính sách thuế quan của Mỹ liên tục được công bố trong những ngày đầu tháng 4 đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất thận trọng hơn với việc vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, việc hoãn thời hạn áp dụng thuế đối ứng thêm 90 ngày là khoảng thời gian quan trọng cho Việt Nam, giúp giảm áp lực tức thời lên xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đàm phán nhằm giảm mức thuế dự kiến từ 46% xuống quanh mức 10 - 20%, hoặc tìm cách cân bằng cán cân thương mại; đồng thời, cũng tạo tiền đề để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam.
“Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, ưu tiên tập trung các nhóm ngành mang lại nhiều giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chính phủ có thể tập trung cải thiện khu vực tư nhân, đổi mới công nghệ và thúc đẩy nền kinh tế số; triển khai các chính sách tài khóa như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục giảm thuế VAT, kích thích tiêu dùng cũng như xem xét hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng”, bà Quỳnh dự báo.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ đi theo hướng hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển các yếu tố nội tại trong nước.
“Lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp”, chuyên gia phân tích VCBS nhận định.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Một số thị trường lớn có thể nhắm tới là châu Âu, Anh, các nước châu Á như Hàn Quốc. Việc đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu cũng giúp Việt Nam tăng cường hội nhập và phát triển kinh tế giữa bất ổn toàn cầu, qua đó, giảm ảnh hưởng của thuế quan Mỹ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ADB cũng đề cao vai trò của hợp tác khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á (ASEAN). Thực tế, bản thân nội khối đang chủ động trao đổi cách thức hợp tác, ứng phó với tác động thuế quan Mỹ cũng như môi trường thương mại toàn cầu nói chung.
“Mặc dù có sự cạnh tranh tự nhiên trong nội khối, song việc tăng cường hợp tác sẽ giúp khối ứng phó hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh dòng chảy thương mại toàn cầu đang có xu hướng thay đổi”, lãnh đạo ADB chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo ADB, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới, tiêu dùng trong nước tăng cao hơn và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có thể khiến lạm phát tăng lên mức 4,0% trong năm nay và 4,2% trong năm 2026. Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ tăng trưởng của ngân hàng bị hạn chế bởi áp lực lạm phát gia tăng, các khoản nợ xấu tăng lên và VND suy yếu. Do đó, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ các chính sách tiền tệ và tài khóa.