Bệ đỡ cho M&A tăng tốc năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
Việc hàng loạt dự án luật đang dần hoàn thiện là điểm tựa để thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) cất cánh trong năm 2025.
Với các luật mới, hoạt động M&A trên thị trường bất động sản năm tới sẽ chỉ dành cho nhà đầu tư có năng lực thật. (Ảnh: Đức Thanh)

Với các luật mới, hoạt động M&A trên thị trường bất động sản năm tới sẽ chỉ dành cho nhà đầu tư có năng lực thật. (Ảnh: Đức Thanh)

Hàng loạt chính sách mới đi vào cuộc sống

Việc hàng loạt luật có hiệu lực trong năm 2024 và các dự án luật khác đang được xây dựng hoặc sửa đổi được kỳ vọng sẽ khơi thông hành lang pháp lý về M&A, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đánh giá, các đạo luật như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi làm thay đổi điều kiện trong hoạt động M&A của các dự án có nhu cầu chuyển nhượng trên thị trường theo hướng tích cực hơn, tháo gỡ được các khó khăn cho bên bán và bên mua.

"Với luật mới, cuộc chơi sắp tới trên thị trường bất động sản sẽ chỉ dành cho những người có năng lực thật. Những chủ đầu tư yếu kém sẽ bị sàng lọc, loại trừ. Thị trường M&A bất động sản giai đoạn 2025 - 2026 dự kiến rất sôi động với sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn", ông Đính nhận xét.

Cùng với đó, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội đã và sẽ thông qua các dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến thị trường M&A như Luật Dược sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ “ấn nút” Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Còn trong năm 2025, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua hàng loạt dự án luật đang được thị trường M&A chờ đợi như Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quảng cáo (sửa đổi)...

Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Thị trường M&A bất động sản giai đoạn 2025 - 2026 dự kiến rất sôi động với sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn.

Việc sửa đổi Luật Chứng khoán và chủ trương nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tạo làn sóng đầu tư mới. Khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn và đẩy mạnh các thương vụ M&A trong các lĩnh vực như tài chính, bất động sản và năng lượng.

Ông Duy Võ, cộng sự Bộ phận Mua bán và Sáp nhập (Công ty Tư vấn thương vụ ASART) đánh giá, việc sửa đổi các luật trong lĩnh vực kinh tế đang tạo ra hành lang pháp lý cởi mở hơn cho cả đầu tư mới và những giao dịch với dự án đang hoạt động.

Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đang rất tích cực trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán, mà bao gồm cả khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp niêm yết. Việc nâng hạng thị trường có thể giúp thu hút hơn 30 tỷ USD vào nền kinh tế. Đó là một cú hích rất lớn.

“Khi trao đổi với các nhà đầu tư thực hiện M&A, dù không nhắm tới thị trường chứng khoán, nhưng họ coi thị trường chứng khoán phát triển là một chỉ báo cho môi trường đầu tư cởi mở, thanh khoản cao”, ông Duy Võ chia sẻ.

Hay như “một luật sửa 4 luật”, với các chính sách phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đơn giản hóa trình tự, thủ tục… ở Luật Đầu tư công (sửa đổi); việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược ở Luật Đầu tư (sửa đổi)... đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ khơi thông các vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động M&A.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Gelex đánh giá, đối với Luật PPP trong “một luật sửa 4 luật”, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy cả chiều rộng và chiều sâu. “Ở chiều rộng là danh mục dự án PPP sẽ có thêm các lĩnh vực mới, như y tế chẳng hạn. Ở chiều sâu là xử lý được bài toán cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro của các nhà đầu tư”, ông Long nói.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF đánh giá, việc sửa một số luật đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và quá trình thẩm định thực hiện dự án.

Tin bài liên quan