Nâng hạng là một trong những chủ điểm chính của thị trường chứng khoán năm nay

Nâng hạng là một trong những chủ điểm chính của thị trường chứng khoán năm nay

Bệ đỡ cho chứng khoán 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm 2024 chịu nhiều thử thách, thị trường chứng khoán bước vào năm 2025 với kỳ vọng bứt phá mạnh hơn.

Điểm sáng vĩ mô

Đầu tuần này (6/1/2024), Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu kinh tế Việt Nam năm 2024. Tuy nhiên, trước đó, các định chế tài chính quốc tế đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta. Chẳng hạn, Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6,0%). Ngân hàng UOB (Singapore) cũng điều chỉnh dự báo GDP tăng lên 6,4% (so với dự báo trước đó là 5,9%). Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng HSBC lần lượt nâng dự báo GDP Việt Nam năm 2024 lên 6,1%; 6,1% và 7%, tăng mạnh so với các dự báo trước đó là 5,5%, 5,8% và 6,5%.

Ngày 12/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Việt Nam đang giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như thu chi ngân sách, nợ công, lạm phát…, do đó, mục tiêu tăng trưởng trên 7% nói trên là khả thi.

Ông Việt cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025 là dòng vốn ngắn hạn gián tiếp nước ngoài bị rút ròng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, với dự kiến sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ lên 20%, riêng Trung Quốc là 60%, nhằm tăng cường bảo hộ và phát triển kinh tế nội địa của nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, mặc dù chính sách này có thể khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam - quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ, nhưng cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội đón nhận sự dịch chuyển chuỗi sản xuất và thương mại từ Trung Quốc sang.

Tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 (AF7) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức ngày 5/12/2024, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá, nhà đầu tư có vẻ đang quá lo lắng về rủi ro thuế quan ở Việt Nam sau khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Chuyên gia VinaCapital nhìn nhận Việt Nam sẽ đi ra khỏi thách thức này thành công. Bởi lẽ, Mỹ muốn thu hút khoản đầu tư trở lại Mỹ nhưng các ngành mà doanh nghiệp Mỹ muốn đưa về nước là các sản phẩm công nghệ cao, tinh vi. Trong khi đó, các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ là sản xuất, lắp ráp hàng hoá điện tử, tiêu dùng… Mặt khác, Mỹ muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc và tìm đến các quốc gia thân thiện hơn về ngoại giao; trong đó, Việt Nam đang ở thế thuận lợi khi đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt biến động, thách thức như sức ép tỷ giá, không gian chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khoá chưa phát huy hết tác dụng do giải ngân đầu tư công vẫn ì ạch vì vướng nhiều rào cản pháp lý, thị trường bất động sản phục hồi chậm, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp còn lớn…

Tuy vậy, bức tranh kinh tế năm 2025 vẫn được kỳ vọng sẽ sáng sủa nhờ những nỗ lực cải thiện thể chế trong thời gian qua. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa kết thúc cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua hàng loạt đạo luật và nghị quyết có tính chất tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý, khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), 1 luật sửa 5 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về tài chính - ngân sách, Nghị quyết về thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại, Nghị quyết về giảm 2% thuế giá trị gia tăng…

Mới đây nhất, ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện 137/CĐ-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong đó chỉ rõ: “Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chúng ta có cơ sở để nói đến mục tiêu này, dựa trên đà tăng trưởng năm 2024 và những nhân tố mới, những thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế, cụ thể là nhiều đạo luật mang tính chất gỡ vướng, khơi thông nguồn lực được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

“Các luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, có vai trò “điểm rơi” kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chứng khoán đón nhận nhiều trợ lực

Từ góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam hiện đang phục hồi tốt hơn so với giai đoạn ngay sau đại dịch Covid-19. Nền tảng vĩ mô tương đối ổn định với lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá tăng nhưng không quá đáng ngại, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách… đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép. Những yếu tố này giúp cho thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục tích cực.

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tích cực, lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết năm 2024 có sự khởi sắc. Báo cáo do MBS Research phát hành mới đây dự báo lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán trong quý IV/2024 tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ quý II/2022. Lợi nhuận cả năm 2024 của toàn thị trường có thể đạt mức tăng 18% so với năm 2023, đánh dấu giai đoạn phục hồi và tăng trưởng bắt đầu.

Cũng theo MBS, ngành ngân hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng cả năm 2024, với lợi nhuận dự kiến tăng 15%. Một số ngành khác được kỳ vọng sẽ tăng mạnh so với mức nền thấp năm 2023 như bất động sản tăng 1.005%, hàng không tăng 591%, bán lẻ tăng 162%... Trong khi đó, nhờ nhu cầu nội địa cải thiện, lợi nhuận các ngành vật liệu cơ bản cũng tăng tích cực, trong đó thép dự kiến tăng 17%.

MBS Research kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của quý IV và cả năm 2024 sẽ tạo tiền đề cho nhóm doanh nghiệp niêm yết nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung bứt phá trong năm 2025.

Một động lực nữa được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm nổ” của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 là cơ hội nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào cuối năm. Thực tế, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán. Cụ thể, tại Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật về tài chính, ngân sách được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã được tháo gỡ và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để được nâng hạng thị trường vào cuối năm, đồng nghĩa với thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và cơ sở hạ tầng pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán.

Trong thư gửi nhà đầu tư quý IV/2024, ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ PYN Elite Fund đặt tiêu đề “Strong Hold” - Giữ chặt tay, thể hiện quan điểm lạc quan đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 và các năm tới.

PYN Elite cho biết, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ này đã tăng 18% trong năm 2024, cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index (tăng 12%), nhờ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo quan điểm của quỹ ngoại này, mục tiêu dài hạn của VN-Index không thay đổi so với đánh giá trước đây, vẫn ở mức 2.500 điểm, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 2 - 3 năm tới.

Trong khi đó, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS dự báo VN-Index có thể chinh phục mốc 1.400 điểm trong năm 2025. Còn bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS tin tưởng rằng VN-Index có thể đạt 1.400 - 1.450 điểm trong năm nay.

Tin bài liên quan