Ngày 29/9 vừa qua, VW đưa ra cảnh báo rằng, lợi nhuận của Công ty trong quý III sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí cao bất ngờ cho việc dàn xếp vụ bê bối khí thải nói trên. Volkswagen đã dự toán, sau rắc rối này, Công ty sẽ mất đi 3/4 số lợi nhuận ròng thu được. Cổ phiếu của tập đoàn này lập tức giảm 4% giá trị ngay sau khi tin xấu được phát tán từ trụ sở VW ở Wolfsburg.
“Quá trình nâng cấp công nghệ cho những chiếc xe tư nhân chạy diesel ở Hoa Kỳ sẽ kéo dài và đòi hòi nhiều kỹ thuật hơn trước”, phát ngôn viên của hãng xe Đức phát biểu.
Vụ bê bối bắt đầu xảy ra từ năm 2013, khi một nhóm giáo sư và sinh viên Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ những chiếc xe chạy bằng diesel do VW sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu công bố chính thức. Sau đó, nhóm này cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra rằng, VW đã cố tình đánh lừa các phép đo về khí thải trong thiết kế động cơ diesel.
Năm ngoái, VW đã đồng ý một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD với Mỹ. Theo đó, VW phải mua lại 600.000 chiếc ô tô diesel nằm trong danh sách gian lận khí thải đã được bán ra tại Mỹ, hoặc phải trả tiền mặt cho chủ sở hữu nếu họ muốn được sửa chữa xe.
Hiện VW vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi những hậu quả từ cuộc khủng hoảng này. Những phí tổn mới nhất cũng là một dấu hiệu cho thấy, sự phục hồi của hãng xe sau vụ bê bối chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
Đi cùng với chi phí lớn để dàn xếp vụ bê bối còn là những áp lực không hề nhỏ đối với những cựu thành viên Ban quản lý của Tập đoàn. Theo nguồn tin được đăng tải trên tờ Suddeutsche mới đây, một cựu quản lý cấp cao của VW, người được cho là có quan hệ thân cận với ông Martin Winterkorn, cựu Chủ tịch Tập đoàn, đã bị bắt ra hầu tòa. Đó là Wolfgang Hatz, một trong những nhân vật quan trọng và chịu trách nhiệm chính cho quá trình phát triển động cơ xe. Vị lãnh đạo này đã bị dẫn giải đến một tòa án ở Munich, nơi trực tiếp đưa ra lệnh bắt giữ và điều tra những hành vi của ông.
Doanh số bán ô tô diesel của VW đã sụt giảm đáng kể tại Đức trong năm nay, trong khi các thương hiệu đối thủ nước ngoài đang nỗ lực để chiếm thị phần. Tại một số thành phố lớn của Đức, các cuộc biểu tình kêu gọi ra lệnh cấm ô tô chạy hoàn toàn bằng diesel ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Hôm 28/9, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết, các mẫu xe ô tô diesel chỉ chiếm 46% số lượng đăng ký xe mới ở Tây Âu trong nửa đầu năm 2017, giảm so với 50% cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, tại cùng thời điểm, số lượng xe động cơ diesel được bán ra bởi các nhà sản xuất xe ô tô cũng giảm khoảng 150.000 chiếc so với nửa đầu năm trước.
Ô tô diesel từ lâu đã là một trong những thế mạnh của VW. Vì vậy, sự suy giảm doanh số bán ra của dòng xe này có thể là lời giải thích cho sự sụt giảm thị phần của hãng này tại Liên minh châu Âu, xuống còn 25,2% trong tháng 8/2017, tức mất 0,7% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, VW vẫn giữ được vị trí là nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu.
VW hiện đang đổ tiền đầu tư vào dòng xe hybrid và xe điện. Hồi đầu tháng 9/2017, VW cho biết, sẽ chi hơn 50 tỷ euro (khoảng 60 tỷ USD) để điện khí hóa tất cả 300 mẫu xe của hãng trước năm 2030.