Các công trình điện mặt trời ở miền Trung có nhiều sai phạm. Ảnh: P.V
Kết luận rà soát của Bộ Công thương cho thấy, hàng loạt đơn vị điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP.HCM đều có nhiều sai phạm.
Cụ thể, việc thỏa thuận và chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại các trạm biến áp 110/22 kV Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Thuận 1, Ninh Phước, dẫn đến làm tăng công suất truyền tải lên đường dây 110 kV cấp cho các trạm biến áp này.
Công ty Điện lực Bình Thuận cũng bị chỉ ra trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Bình An, Công ty Công nghệ xanh Toàn Cầu; Nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định, xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Hàm Tân Solar farm.
Tại Công ty Điện lực Gia Lai, đoàn kiểm tra chỉ ra thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương. Việc này xảy ra tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty PV Venus, Công ty PV ENERGRY, Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam.
Trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định của Bộ Công thương xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ xanh Bắc Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ xanh Cao Nguyên, Công ty TNHH MTV Cộng Hòa Gia Lai, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Xuân Mai Gia Lai, Công ty TNHH MTV Năng lượng xanh Vĩnh Sơn.
Công ty này cũng chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Cường, Công ty Cổ phần PV Energy, Công ty TNHH MTV Đại Thắng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phú Lợi Lộc.
Công ty Điện lực Đắk Nông bị phát hiện thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.
Còn tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, ngoài việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định; còn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng với hiện trạng lưới điện, thiếu minh bạch.
Cụ thể, lưới điện chưa quá tải nhưng thông báo trên website là trạm/đường dây không giải tỏa được công suất; thông báo trên website đường dây/trạm biến áp không còn giải tỏa được công suất nhưng sau đó chấp thuận đấu nối nhiều khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp đã công bố quá tải trước đó). Điều này đã vi phạm quy định của Luật Điện lực năm 2004.
Tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương đối với 2 khách hàng; Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công thương. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung.
Công ty Điện lực Bình Dương sai phạm khi thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu.
Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty cổ phần Mai Sơn Lâm.
Công ty Điện lực Bình Phước cũng có những sai phạm tương tự. Còn Công ty Điện lực Ninh Thuận vi phạm thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà khi vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương. Việc này xảy ra tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty cổ phần Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm, khách hàng có mã PB18020044373.
Chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa có giấy phép xây dựng vẫn đưa vào vận hành thương mại
Theo Bộ Công thương, căn cứ các biên bản làm việc của Đoàn kiểm tra tại những dự án điện mặt trời mái nhà, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP.HCM chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.
Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái trang trại nông nghiệp (trồng trọt hoặc chăn nuôi…), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công thương, dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà; ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải điện lực quốc gia.
Trước đó, từ ngày 9/8/2021 - 18/8/2021, Báo Đầu tư đăng tải loạt 5 kỳ: “Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát”. Loạt bài báo đã lần lượt chỉ ra những góc khuất, lỗ hổng của luật pháp và sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước đối với các Dự án điện mặt trời (nhất là điện mặt trời mái nhà) tại các địa phương. Không chỉ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng, tại các khu công nghiệp, nhiều chủ đầu tư cũng tranh thủ lắp pin năng lượng trái phép để phát điện và bán điện. Đặc biệt, nhiều dự án điện mặt trời “núp bóng” mô hình trang trại đã được loạt bài phân tích, chỉ rõ, mà cụ thể là các chủ đầu tư chỉ trồng đôi bà cây đinh lăng để làm “bình phong” cho việc đầu tư trái phép.
Đáng chú ý, loạt bài đã mang lại hiệu ứng tích cực. Cụ thể, sau khi loạt bài báo đăng tải, Ninh Thuận chấn chỉnh, kiểm tra toàn diện các dự án điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó, TP Cam Ranh cũng quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu các chủ đầu tư tháo dỡ công trình điện mặt trời trái phép. Còn tại Lâm Đồng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra công tác quản lý đất đai tại các khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội, phát hiện nhiều sai phạm “động trời”. “Một số chủ đầu tư dự án sử dụng đất không đúng mục tiêu đầu tư (như sản xuất, kinh doanh điện mặt trời, cho thuê lại nhà xưởng) là có dấu hiệu trục lợi từ chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước (miễn giảm tiền thuê lại đất, ưu đãi thuế)”, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận.
Cho rằng có dấu hiệu lợi dụng chủ trương, chính sách về đầu tư, ưu đãi đầu tư của tỉnh để thu lợi xảy ra tại một số doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh điều tra, làm rõ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công ty này. Và UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.