Chia sẻ của nhà sáng lập FastGo, Nguyễn Hữu Tuất trên trang cá nhân: "Nếu Be và FastGo sáp nhập thì đặt tên là gì?" đã làm dấy lên dư luận về câu chuyện hai ứng dụng gọi xe nội bắt tay có thể trở thành một đối trọng với Grab.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online, phía Be Group - đơn vị sở hữu và vận hành ứng dụng gọi xe Be, phủ nhận thông tin thông tin trên. "Không hề có chuyện Be và FastGo sáp nhập", đại diện Be Group nhấn mạnh.
Về phía FastGo, đại diện ứng dụng gọi xe này cũng không đưa ra thêm bình luận gì liên quan tới tin đồn sáp nhập.
Có thể hiểu được khi thông tin Be và FastGo có thể về chung nhà thu hút sự chú ý, bởi hiện thị trường gọi xe đang nằm phần lớn trong tay ứng dụng ngoại. Cộng thêm giới khởi nghiệp vừa qua đã chứng khiến nhiều sự sáp nhập của các công ty khởi nghiệp, từ các công ty nhỏ đến những “kỳ lân” như Tiki và Sendo.
Báo cáo gần nhất của ABI Research ghi nhận, Grab hiện đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đơn vị thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).
Cũng theo số liệu này, GoViet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200.000 cuốc.
Do đó, tin đồn sáp nhập kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về thị phần với các ứng dụng nội như Be, FastGo... Tuy nhiên, nếu nhìn vào những thống kê của ABI Research, thì dù có những thương vụ M&A tại thị trường gọi xe Việt Nam trong tương lai, cũng khó xảy ra những thay đổi lớn, xoay chuyển được cục diện thị trường.
Grab với việc liên tục rót vốn hàng trăm triệu USD vào thị trường Việt Nam qua các năm cho thấy tham vọng số 1 của kỳ Lân này. Trong khi Be có thể tiếp tục giữ vị trí thứ 2 mà không cần "đốt" quá nhiều tiền. Thời gian qua, ứng dụng Be đã có nhiều thay đổi về mặt nhân sự, lẫn vận hành, đồng thời đề cao mục tiêu tối ưu chi phí.
Riêng với trường hợp của FastGo, dường như ứng dụng gọi xe này đã tìm ra được lối đi riêng, khi nhà sáng lập FastGo, Nguyễn Hữu Tuất từng tiết lộ muốn tập trung vào hoạt động cho thuê xe VinFast theo mô hình B2B, với khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp với số lượng lớn, trong thời gian dài kỳ.
Ông Tuất cũng khẳng định, hiện startup này đang tập trung vào các phân khúc thị trường ngách, hướng tới có lãi và không chạy theo cuộc đua "đốt tiền".
Bởi vậy khi Be và FastGo đều có những định hướng khác nhau trong tương lai, khả năng sáp nhập sẽ càng khó xảy ra. Có chăng là bởi thị trường gọi xe Việt Nam đang phát triển quá nóng, nên sự kỳ vọng của giới quan sát dành cho các ứng dụng gọi xe nội ngày một gia tăng.
Dù mới xuất hiện tại Việt Nam chưa đầy 5 năm, nhưng lĩnh vực gọi xe đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, Việt Nam liên tục thu hút đầu tư của các ông lớn quốc tế, lẫn trong nước. Tính sơ bộ, hiện có hơn 10 ứng dụng gọi xe đã và đang hoạt động tại Việt Nam gồm: vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn...