Hội thảo “Tại sao phải đầu tư vào Việt Nam bây giờ?” do Công ty Savills Việt Nam phối hợp với Savills Hàn Quốc tổ chức cuối tuần qua đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư bất động sản tham gia.
Từ kết quả của hội thảo này, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.
“Thị trường bất động sản Việt Nam đang ở đáy của chu kỳ và các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục. Các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn”, ông Neil MacGregor nhận định, đồng thời tiết lộ, cuối tháng 11 này, Savills Việt Nam sẽ sắp xếp cho các nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam để tham quan và tìm hiểu về các dự án tại Hà Nội và TP. HCM.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến bất động sản Việt Nam
Còn theo ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Vietnam, sau một thời gian dài khó khăn, gần đây, lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu trở lại “tầm ngắm” của các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.
“Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong đó, lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút FDI. Từ đây cho thấy, bất động sản đang có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Chris Brown nhận định và cho biết, nếu như 2, 3 năm trước, nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm nhiều đến bất động sản Việt Nam vì yếu tố rủi ro, thì gần đây, nhiều nhà đầu tư trong khu vực châu Á lại muốn tìm cơ hội đầu tư tại đây.
Ông Chris Brown cũng tiết lộ, hiện Cushman & Wakefield nhận được nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm những dự án của các doanh nghiệp trong nước kẹt vốn muốn bán lại, hoặc hợp tác đầu tư. Trong đó, đang sắp xếp cho một nhà bán lẻ châu Âu vào một dự án tại TP. HCM. Nếu mọi việc suôn sẻ, thương vụ này có thể sẽ kết thúc trong năm nay.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Olivier Lim, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn CapitaLand nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đã gặp khó khăn trong nhiều năm qua và đang có nhiều yếu tố để khẳng định, những khó khăn đã chạm đáy và hé mở những cơ hội hồi phục. Bằng chứng là từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều khách hàng đã quan tâm hơn đến các dự án của CapitaLand Việt Nam, lượng khách hàng quyết định mua sản phẩm đã tăng gấp 10 lần so với cả năm trước. Doanh thu của Tập đoàn CapitaLand tại Việt Nam cũng tăng đáng kể.
Theo ông Olivier Lim, tính đến nay, CapitaLand đã đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị tài sản 1,2 tỷ USD cho phát triển các dự án nhà ở và 200 triệu USD cho Ascott (công ty con chuyên về căn hộ dịch vụ).
“CapitaLand luôn cam kết là một nhà đầu tư dài hạn về bất động sản tại Việt Nam. Chúng tôi giữ vững niềm tin về tiềm năng trong dài hạn của ngành bất động sản Việt Nam”, ông Olivier Lim cho biết.
Thật ra, không phải đến lúc này, mà một vài năm trở lại đây, dù thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đổ vốn vào lĩnh vực này, vì họ nhìn thấy nhiều tiềm năng của kênh đầu tư này. Gần đây nhất, Indochina Land đã quyết định “bắt tay” với Tập đoàn Nam Long để đầu tư vào Dự án EHome 3 Tây Sài Gòn. Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng, trong đó Indochina Land góp 35%.
Trước đó, tại Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã đầu tư Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn 1,2 tỷ USD.
Theo ông Chris Brown, nhìn một cách tổng thể, hiện thị trường bất động sản Myanmar được nhận định là có nhiều tiềm năng và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng khung pháp lý chưa rõ ràng, trong khi đó, thị trường Lào và Campuchia không lớn, còn thị trường Thái Lan cạnh tranh rất khắc nghiệt. Do đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
>> Không nên hạn chế người nước ngoài mua nhà
>> Bình Dương trong “tầm ngắm” các nhà đầu tư phía Bắc
>> Bất động sản, sức hút đang trở lại
>> Bất động sản, đừng kỳ vọng vào cầu ngoại