BDI cảnh báo kinh tế Đức lâm vào tình trạng trì trệ trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức cho rằng yếu tố kìm hãm tăng trưởng là do hoạt động đầu tư, vốn sụt giảm mạnh thời gian qua, cũng như vấn đề thiếu lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực.
Cảng container ở Hamburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảng container ở Hamburg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cho biết tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ trì trệ trong năm 2023.

Phát biểu ngày 19/6, Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho rằng nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang trong thời kỳ suy thoái và sẽ tụt lại so với nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2023, BDI dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ tăng trưởng quanh mốc 0% so với năm trước, trong khi đó, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt 2,7%.

Ông Russwurm cho rằng yếu tố kìm hãm tăng trưởng trên hết là do hoạt động đầu tư, vốn đã sụt giảm mạnh thời gian qua, cũng như vấn đề thiếu lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Theo Chủ tịch BDI, sự phục hồi rõ rệt sẽ chỉ đến trong năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế Đức vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như căng thẳng chính trị toàn cầu tiếp tục gia tăng, dân số ngày càng già đi, lạm phát vẫn ở mức cao, cần nhiều khoản đầu tư lớn cho chuyển đổi số và trung lập với khí hậu...

Ông Russwurm cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp ngày càng thiếu kiên nhẫn và bất an.

Ngoài ra, nhiều công ty Đức, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang có xu hướng chuyển một phần sản xuất khỏi nước này do chi phí sản xuất tăng mạnh và các quy định chậm thay đổi.

Ông cho rằng cần có ngay các quy định tốt hơn về thuế đối với các khoản đầu tư mới. Việc đẩy nhanh quy hoạch và thủ tục phê duyệt dự án cũng rất cần thiết để gia tăng hoạt động đầu tư.

Đối với nguồn năng lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức mong muốn chính phủ nước này đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn với chi phí cạnh tranh quốc tế trong dài hạn.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và mở rộng cung cấp điện cũng rất cần thiết. Ông cho rằng tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo hiện tại còn chậm chạp và chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Đề cập đến các cuộc tham vấn liên chính phủ giữa Đức và Trung Quốc, Chủ tịch BDI cho rằng việc "tách rời" khỏi Trung Quốc sẽ không thực tế và sẽ gây hại lớn. Do đó, điều cần thiết là "giảm thiểu rủi ro" thay vì "tách rời."

Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp Đức đang trong quá trình đa dạng hóa thị trường kinh doanh cũng như xây dựng các quan hệ đối tác mới.

Nhưng Trung Quốc vẫn là một đối tác không thể thiếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Vì vậy, lãnh đạo BDI cho rằng Chính phủ Đức cần đối thoại với Trung Quốc về vấn đề bảo vệ khí hậu cũng như quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Trước đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế nửa đầu năm 2023 được Bundesbank công bố ngày 16/6, nền kinh tế Đức sẽ suy thoái ở mức âm 0,3% trong năm nay, một phần do lạm phát cao kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong 3 năm qua.

Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel giải thích nền kinh tế Đức vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của lạm phát cao khiến sức mua của người dân giảm sút.

Tăng trưởng sẽ chỉ trở lại trong hai năm tới. Dự kiến, năm 2024, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ ở mức 1,2%, năm 2025 sẽ là 1,3%.

Tin bài liên quan