Bay qua nỗi sợ vô hình

Bay qua nỗi sợ vô hình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua là một tuần giao dịch đầy cảm xúc, mà sự thăng hoa và ngỡ ngàng chiếm tâm lý chủ đạo.

Trước đó, nỗi lo về việc siết margin của các công ty chứng khoán vào những ngày cuối tháng đè nặng, tưởng như làm cho xung lực của các cổ phiếu, nhất là nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường tạm thời giảm dần.

Nhưng thực tế thị trường lại có một tuần giao dịch sôi động, tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản, đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về gói kích thích kinh tế mới.

Rất nhiều đỉnh mới ở các mã cổ phiếu đã được thiết lập khiến các nhà đầu tư Fn ngơ ngác. Trong khi đó, những nhà đầu tư F0, đặc biệt ít nhìn về quá khứ, chưa bị những cú sập kinh hoàng “dằn mặt”, thành ra lại mạnh tay mua vào và trúng đậm. Sóng cổ phiếu trên UPCoM và HNX ở một số mã liên tục mang sắc tím tiếp tục trở thành thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư.

Chẳng hạn như cặp đôi cổ phiếu họ “yến sào Khánh Hòa”, KSV, KSH tăng gần 60% trong tuần, cặp đôi gỗ GTA, MDF cũng liên tục có sắc tím 4/5 phiên giao dịch. Cặp “mẹ con” S99, SCI tạo sóng mạnh trong 2 phiên cuối tuần.

Một nhận định chung nhận được nhiều sự đồng tình là một nhịp giảm mạnh về dưới ngưỡng cứng 1.350 điểm của VN-Index là khó, bởi bản chất Index vẫn có định giá không quá đắt đỏ so với quá khứ và với tương quan các thị trường khu vực, một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán vẫn ở gần vùng hỗ trợ.

Tháng 10 được cho là thời điểm nhạy cảm bởi việc ra dần báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các số liệu cho thấy những con số không quá sốc, đặc biệt nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ, dự phóng quý IV lạc quan khiến nhà đầu tư không còn quá e ngại.

Bắt đầu từ tháng 11 này, mọi thứ sẽ bắt đầu với câu chuyện mới, với lượng tiền margin lại được bơm vào thị trường, liệu nhịp tăng có duy trì là câu hỏi đang được các nhà đầu tư quan tâm và đó cũng là chủ đề được Báo Đầu tư Chứng khoán cắt nghĩa sâu trong số báo này.

Có một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là tại sao nhiều doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh tốt, lãi cao nhưng giá cổ phiếu vẫn ì ạch?

Câu chuyện này thực ra có thể lý giải bởi có nhiều cổ phiếu đã phản ánh vào giá trước khi có kết quả kinh doanh (tin ra không chính thức trước đó), hoặc cổ phiếu có giá đã tăng từ quý trước và quý này tích lũy lại. Cũng có thể bởi đó là những cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền hiện tại không đáp ứng đủ, cần thêm xung lực để có thể trở lại đà tăng.

Có lẽ bởi vậy mà thị trường chứng khoán mới có sức hút, thay vì mọi thứ quá đơn giản để mọi người ai cũng có thể đoán được.

Nhưng thị trường có biến động ra sao chăng nữa, có lẽ với những nhà đầu tư coi chứng khoán là kênh bỏ tiền thực sự nghiêm túc vẫn phải quan tâm cổ phiếu mình chọn có kết quả kinh doanh tốt hay không.

Tất nhiên, kết quả kinh doanh tốt không chỉ đo đếm bằng tăng trưởng con số tuyệt đối mà còn đến từ triển vọng ngành, tiềm năng của chính doanh nghiệp đó trong quý IV và cả năm 2022 tới đây, động lực từ các thương vụ M&A với người khổng lồ, hay các "game thay máu, đổi chủ"…

Nắm giữ những cổ phiếu này có thể trong ngắn hạn không lãi đậm, nhưng lại yên tâm “kê cao gối ngủ” khi mà cổ phiếu có sụt giảm rồi cũng sẽ hồi về giá mua và có nhiều điều để kỳ vọng trong tương lai.

Tin bài liên quan