Bác thợ săn giăng lưới bắt chim. Đủ cả quạ khoang, sáo sậu, giẽ giun... sa lưới. Nhưng rồi chúng cũng tự biết bàn với nhau: lũ mình đều do tham mồi nên mắc bẫy. Nếu biết đồng lòng chắc chắn sẽ tìm được cách thoát ra. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng bầy chim cho rằng, nếu nhất loạt cất cánh, may ra nâng được cả tấm lưới lên. Tất cả đồng thanh: 1 - 2 - 3 nào! Thật kỳ diệu, bầy chim nâng được lưới và bay lên.
Thoạt nhìn, người thợ săn cũng hơi bối rối, nhưng rồi anh ta nghĩ bụng: có nhiều loại chim cùng trong lưới, thế nào chúng cũng sẽ cãi nhau. Mà hễ cãi nhau thì... Rồi anh ta khoái chí theo dõi diễn biến cuộc vượt ngục.
Quả đúng vậy! Lúc đầu bầy chim cùng nhau tha được tấm lưới đi, nhưng được một chốc đã bắt đầu cãi nhau chí choé. Mở đầu là lũ quạ khoang, chúng choang choác:
* Chẳng ai cố gắng bằng chúng tôi. Nếu chúng tôi cũng lười như các anh sáo thì lưới chắc chẳng nhúc nhích được.
Đàn giẽ giun nổi giận:
* Thôi im mồm đi mấy mụ khoác lác kia. Chúng tôi còn cố gắng hơn các bà nhiều!
Đàn sáo sậu cũng châu vào… Bầy chim cãi nhau và chẳng con nào chịu bay, tất cả chỉ vỗ cánh hờ hờ cho xong chuyện… Bác thợ săn tủm tỉm cười. Hôm nay, bác ấm bụng đây!
Tất nhiên, bác cũng chả dại gì mà làm gọn một bữa. Chọn những con kêu ca nhiều, bác thịt trước cho đỡ nhức đầu. Những con đẹp mã, mang ra chợ bán lấy chút tiền mắm muối. Còn vài chú khỏe mạnh, hót hay, bác để lại làm chim mồi.
Mùa gặt rồi cũng qua đi. Cánh đồng dần trở nên trơ trọi, lũ chim bay đi di trú. Hết chim thì ná còn bị bẻ nữa là mấy anh chim mồi. Thức ăn ít dần, chúng lại chí chóe cãi nhau. Nỏ mồm nhất vẫn là giọng quạ khoang:
* Tôi là tôi nhịn các anh lắm rồi nhé. Từ lâu toàn là tôi múa lượn, kêu ca. Bọn chim cò khác tụ về, ông chủ có miếng thì các anh mới trơn lông đỏ da như thế.
Sáo sậu xoen xoét nhại tiếng người: Cái nhà quạ đen sì sì. Đứng tối om một quãng đồng, bọn chim khác tưởng bãi phân bò. Đứa nào dám sà vào. Chỉ duy có tôi biết nói tiếng người, cắt đặt đâu vào đấy, là… thành phần chủ đạo trong đàn chim. Công tôi lớn nhất, giờ khó khăn, tôi phải được hỗ trợ nhiều nhất.
Giẽ giun cất giọng the thé như vừa chuyển giới: Này, này. Đừng có lấy thịt đè người. Quạ khoang to xác, ở tốn lồng, ăn tốn thóc. Còn cái anh sáo sậu kia, thử hót giọng của mình xem. Hay là chỉ được cái theo đóm ăn tàn. Phải như tôi đây này. Cả lông lẫn mỏ chưa đầy một lạng, nhưng lại hót to nhất đàn. Ông chủ phải hỗ trợ tôi là đúng nhất.
Bồ câu thủng thẳng: các anh, các chị không phải tranh ăn, vừa mất đoàn kết, vừa tốn sức lực giữa thời khủng hoảng. Có là chim mồi thì các vị cũng chỉ là một bọn hoang dã mới thuần dưỡng. Mà mấy năm đầu có vị còn khoe lông múa mỏ, tưởng thế nào hóa ra cũng chỉ là… phi sản xuất, chả tự đem lại của cải gì. Tôi đây từ đời cụ kỵ đã sống với người, sinh con đẻ cái, làm lợi không biết đâu mà kể…
* Nếu đúng vậy thì anh càng phải nhịn. Từ lâu gần gũi, anh đã được cưng chiều nhiều rồi. Có miếng gì ngon, có con gì béo, ông chủ đều ưu tiên anh cả. Bây giờ nhường cho chúng tôi là phải phép - chú hải âu từ biển bay vào góp chuyện.
Bồ câu mắng: tôi nói anh chim biển biết nhé. Tài nguyên tôm cá bao la. Anh cứ chúc mỏ xuống là múc lên. Gặp lúc khó khăn, anh đã chả biết chia sẻ lại còn yêu sách.
* Anh bảo ai yêu sách, yêu sách gì?
* Chứ lại không à? Hết xin miễn thuế tôm cá cho con em, rồi con em đi di trú tránh rét thì ỉ ôi hết xin tiền xây tổ đến “trợ cấp một lần khi chuyển sang nước sở tại”...
* Nếu đúng thế thì, “em có một ước ao, em có một khát khao… thành hải âu, thành hải âu” - quạ khoang đế vào!
* Hải âu khùng lên: này nhé, anh quạ đen như… than kia. Anh ở rừng nhưng sản vật có khác gì tôi. Cũng chúi mỏ xuống là có ăn. Thế mà suốt ngày than khổ mới khó. Anh thấy khổ quá thì nghỉ ngơi đi. Chim cò thích khổ như anh có mà đầy…
Mỗi loài chêm một câu, chả loài nào chịu loài nào. Bác thợ săn mất giấc ngủ trưa, bực mình quay ra mắng lũ chim:
* Bọn mày đúng là bầy chim mất đoàn kết. Cái bài học khi bị ta túm vào rọ đến bây giờ chưa thủng hả. Lũ ngươi là do ta nuôi mà không nghĩ đến việc báo đền cho chủ. Hết bệnh than lại đến bệnh đổ lỗi. Bệnh tật thế thì… Nói rồi bác thợ săn túm hết đám chim mồi vào rọ, định tống vào nồi nước sôi.
Chợt nghe ngoài ngõ có tiếng e hèm. Ông thợ đan lưới đi vào thấy thế liền can:
* Thôi xin bác. Bọn này đúng là hay có bệnh đổ lỗi. Nhưng mình là chủ, trị cho nó biết sợ thôi.
* Nhưng mà nó bướng lắm bác ạ. Đến tôi còn đang đau đầu với mấy món nợ. Tiền mua lưới của bác chưa trả hết. Bọn này nó lại cứ làm ồn. Tôi là tôi cứ tái… nạm hết rồi anh em mình nhắm rượu.
* Ấy, đừng nóng. Chúng biết lỗi nên im như thóc rồi. Còn rượu thì sang tôi, anh em mình rán mấy quả “chứng” nhắm rượu.
Nói rồi bác thợ đan lưới kéo ông thợ săn sang nhà mình. Vừa về đến đầu ngõ, đứa cháu nội tập tễnh chạy ra đón rồi va vào cái bàn uống nước lăn đùng ra ăn vạ.
Chưa kịp phản ứng, bác thấy vợ từ trong bếp chạy ra vụt lấy vụt để… cái bàn: “Chừa này, chừa này, ai cho làm cháu bà đau. À, à, nín nào, bà đánh cái bàn hư này, hư này…”.
* Ông thợ săn thủng thẳng: kiểu này lớn lên đi làm muộn có khi nó đổ cho xe buýt… tuột xích đấy ông ạ!